Tổng thống Trump đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện ngày 18-12 (giờ Washington).
Trong cuộc bỏ phiếu tối 18-12 theo giờ Washington (tức sáng 19-12 theo giờ Hà Nội), Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump, gồm lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Tổng thống Trump đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ảnh: NBC News |
Dưới đây là những sự thật từ cuộc bỏ phiếu, từ quá trình diễn ra trước đó và những gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Chia rẽ đảng phái sâu sắc
Cuộc bỏ phiếu tại hạ viện cho thấy sự chia rẽ đảng phái sâu sắc tại Washington.
Hạ nghị sĩ Jeff Van Drew người muốn chuyển từ đảng Dân chủ sang Cộng hòa đã bỏ phiếu chống với cả 2 điều khoản luận tội cùng với nghị sĩ Collin C. Peterson.
Một lá phiếu phản đối khác là của hạ nghị sĩ Jared Golden - người bỏ phiếu phản đổi điều khoản thứ 2 là cản trở Quốc hội.
Ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ, nghị sĩ Tulsi Gabbard bỏ phiếu trắng với cả 2 điều khoản.
Trong khi đó, tất cả các hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu phản đối cả 2 điều khoản luận tội.
Kết quả cuối cùng, điều khoản lạm dụng quyền lực được thông qua với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống, điều khoản cản trở Quốc hội được thông qua với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện đối với Tổng thống Bill Clinton lại không mang tính chia rẽ đến thế. Khi đó, có 5 thành viên Dân chủ không đồng tình với đảng của mình. Còn trường hợp của Tổng thống Richard Nixon, thì có tới 6 thành viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư Pháp Hạ viện ủng hộ luận tội ông, tuy nhiên ông đã từ chức trước cuộc bỏ phiếu chính thức của Hạ viện.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện lần này được xem như cuộc bỏ phiếu mang tính đảng phái nhất trong các thời tổng thống gần đây.
100% GOP ủng hộ Trump
Các thành viên Cộng hòa lâu nay thường khó chịu với Tổng thống Trump, đặc biệt là những dòng tweet mà Tổng thống đăng tải trên Twitter. Họ đã phải chịu đựng sự thất thường của ông Trump và cả “những cơn đau đầu” do phong cách đó gây ra. Tuy nhiên, họ đã có phần thường của mình: rất nhiều thẩm phán liên bang, 2 thẩm phán tòa án tối cao và cắt giảm thuế.
Sự bảo vệ của đảng Cộng hòa đối với ông Trump suốt hơn 3 tháng qua – đặc biệt trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-12 – thực sự củng cố lại mối quan hệ lợi ích này.
Ông Trump đã đề nghị nước ngoài điều tra đối thủ chính trị dựa trên những bằng chứng không xác thực và ông cũng đã làm điều tương tự với giả thuyết rằng Ukraine có thể đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 chứ không phải Nga. Nhiều thành viên trong chính quyền của ông nói rằng, một cuộc gặp ở Nhà Trắng và khoản viện trợ quân sự đã bị “hoãn” lại để thúc đẩy các cuộc điều tra từ phía Ukraine.
Tất nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa (GOP) đều không đồng tình. Ban đầu sự bảo vệ đối với ông Trump gần như đơn thuần chỉ là thủ tục, nhưng sự bảo vệ của GOP đối với ông trong ngày 18/12 dường như cho thấy họ thực sự đã chấp nhận các hành động của Tổng thống. Các thành viên GOP cho rằng, ông Trump thực sự quan tâm tới tham nhũng ở Ukraine, và phản đối mọi bằng chứng.
Có thể chẳng có gì bất ngờ khi không thành viên Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ các điều khoản luận tội và sẽ không có Thượng nghị sỹ GOP nào bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Trump. Điều đáng chú ý về những gì mà chúng là đã thấy là đảng Cộng hòa làm điều đó như một cách “ra giá” để đạt được mục đích của mình.
Đảng Dân chủ phải định hình bước tiếp theo
Bước tiếp theo trong quá trình luận tội là khi Hạ viện báo cáo các điều khoản luận tội lên Thượng viện, và sau đó là việc tổ chức phiên xét xử. Tiến trình này khi đó sẽ nằm trong tay của đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện.
Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố rõ rằng là ông không hoàn toàn muốn tổ chức một phiên xét xử “rầm rộ” với các nhân chứng mới. Thực tế, ông nói rằng ông sẽ phối hợp với Nhà Trắng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra?
Nếu các điều khoản luận tội được chuyển lên Thượng viện, sẽ có các cuộc đàm phán về việc phiên xét xử sẽ được tiến hành như thế nào? Phe Cộng hòa có thể thực sự kiểm soát điều này, bởi họ có 53 trong số 100 ghế Thượng viện và có thể đặt ra các quy tắc.
Đảng Dân chủ nói họ muốn các nhân chứng mới như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Liệu khi đó đảng dân chủ có đề xuất một dạng trao đổi nào đó hay không – ví dụ như việc cho phép cựu Phó Tổng thống Joe Biden ra điều trần để đổi lấy 1 hoặc cả 2 nhân vật nêu trên?
Các lãnh đạo Hạ viện hiện giờ có vẻ như đang “chơi đùa” với đề xuất mà các học giả pháp lý đã đưa ra: Chờ đợi rồi mới báo cáo các điều khoản luận tội lên Thượng viện.
“Đó là một đề xuất thú vị. Tôi không nghĩ rằng đó là con đường mà chúng tôi sẽ theo, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển lên Thượng viện. Sẽ có những cân nhắc liên quan đến vấn đề pháp lý khác”, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Hoyer nói.
Hạ nghị sĩ Earl Blumenauer, cũng nói với Politico rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ám chỉ rằng bà quan tâm và đang cân nhắc vấn đề này.
Một số thành viên Dân chủ coi quyết định của bà Pelosi không nêu tên những người điều hành luận tội như một dấu hiệu cho thấy kịch bản này đang được áp dụng.
Ông Trump không bị “hạ bệ”
Dù vẫn chưa rõ việc luận tội có ảnh hưởng xấu tới đảng Dân chủ hay không, nhưng ít nhất nó sẽ không tác động xấu đến Tổng thống Trump. Nhiều tháng sau thông tin của “người tiết lộ”, các cuộc điều tra, các phiên điều trần và giờ là cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, chẳng có bằng chứng cơ bản nào cho thấy những tiết lộ đó khiến ông Trump mất đi sự ủng hộ.
Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump vẫn ở mức trung bình 43,3% theo dữ liệu thăm dò của FiveThirtyEight. Đây thực sự là con số cao nhất kể từ tháng 3-2017 – mặc dù nó không khác biệt lớn so với tỷ lệ dưới 40 của ông Trump lâu nay. Khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ giữa ông Trump với các đối thủ tiềm năng hàng đầu trong cuộc chạy đua 2020 cũng có vẻ như không thu hẹp nhiều trong các cuộc thăm dò.
Tổng thống Trump sẽ không bao giờ bị bãi nhiệm và bà Pelosi rõ ràng là lo ngại việc luận tội sẽ tác động xấu tới đảng đòi luận tội như kịch bản đã xảy ra năm 1998. Khi đó đảng Cộng hòa thúc đẩy luận tội Tổng thống Bill Clinton và họ đã phải gánh chịu hậu quả sau đó.
Vẫn còn một chặng đường dài để kết luận liệu quá trình luận tội hiện nay có tác động xấu đến đảng Dân chủ năm 2020 hay không.
Khoảng thời gian gần 1 năm từ nay cho tới cuộc bỏ phiếu đang cho thấy nó có có tác động hoàn toàn không đáng kể. Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý rằng tất cả những tiết lộ dẫn tới luận tội Tổng thống Trump lâu nay cũng không làm suy giảm sự ủng hộ đối với ông.
Ông Trump chắc chắn không muốn bị gán cái mác Tổng thống thứ 3 bị luận tội trong lịch sử nước Mỹ, nhưng điều đó dường như không tác động đến cơ hội tái đắc cử của ông vào năm 2020.
Theo VOV.VN