Nhật Bản thúc đẩy đối thoại Mỹ - Iran

.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào ngày 20-12 là một phần nỗ lực của Tokyo nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông, thúc đẩy đối thoại Washington - Tehran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) chào đón Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tehran ngày 12-6-2019. 	Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) chào đón Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tehran ngày 12-6-2019. Ảnh: AFP

Với chuyến công du Nhật Bản vào ngày 20 và 21-12, Tổng thống Hassan Rouhani là nhà lãnh đạo Iran đầu tiên đến quốc gia Đông Bắc Á này kể từ năm 2000. Chuyến thăm tiếp nối lần công cán của Thủ tướng Abe Shinzo đến Iran hồi tháng 6 vừa qua với sứ mệnh hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Tehran. Lúc đó, ông Abe cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến Iran kể từ năm 1978.

Hãng Kyodo News dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Suga Yoshihide tại cuộc họp báo rằng, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Rouhani và ông Abe là một phần nỗ lực ngoại giao của Tokyo nhằm giúp giảm căng thẳng ở Trung Đông, ổn định tình hình tại khu vực vốn được xem là “chảo lửa”. Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị với Iran và là đồng minh thân cận của Mỹ.

Vì vậy, Tokyo muốn đóng vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Tehran trong lúc số phận của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hiện lơ lửng. Iran cũng đang phải xoay xở trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào kinh tế sau khi Washington rút khỏi JCPOA.

“Đất nước chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực ngoại giao trong hợp tác với Mỹ, Iran và các nước khác có liên quan nhằm xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông”, ông Suga nhấn mạnh.  

Hàng loạt vụ tấn công các tàu chở dầu ở vùng Vịnh trong thời gian qua càng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Iran. Washington thiết lập sáng kiến an ninh hàng hải nhằm bảo vệ tàu qua eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng của thế giới. Nhật Bản chưa quyết định tham gia liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, nhưng đang có kế hoạch điều Lực lượng phòng vệ (SDF) đến khu vực bên ngoài eo biển Hormuz để thu thập thông tin.

Theo hãng Kyodo News, trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Rouhani, Thủ tướng Abe có thể sẽ đề cập kế hoạch này trước khi được nội các Nhật Bản chính thức thông qua vào tuần tới. Cụ thể, SDF sẽ được phái đến Vịnh Oman - vịnh nối Biển Arab với eo biển Hormuz, và đến eo biển Bab el-Mandeb nối giữa Biển Đỏ với Vịnh Aden.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ đề xuất triển khai một tàu sân bay trực thăng và một máy bay tuần thám P3C chở các thành viên SDF thực hiện nhiệm vụ. Sứ mệnh kéo dài một năm và có thể được điều chỉnh thường niên.

Trong khi đó, cũng theo Kyodo News, ông Rouhani dự kiến nói với Thủ tướng nước chủ nhà rằng, chính phủ Iran sẽ không phản đối việc triển khai SDF tại Trung Đông, mặc dù Tehran không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng nước ngoài ở khu vực này bởi cho rằng điều này sẽ tạo ra sự bất an cho tàu thuyền và dầu mỏ.

Tuần trước, tại diễn đàn Doha ở Qatar, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh đã dẫn tới thảm họa cho các nước trong khu vực và khiến chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy…

Nhật Bản từng là khách hàng lớn mua dầu thô của Iran nhưng đã dừng mua để tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ. Thủ tướng Abe theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương, duy trì tốt mối quan hệ với các nước, trong đó có khu  vực Trung Đông. Song, sứ mệnh thuyết khách của ông Abe tại Tehran hồi tháng 6 vừa qua không đạt được kết quả khi Mỹ và Iran đưa ra thông điệp đe dọa lẫn nhau. Ngoài ra, chuyến thăm của ông Abe vào thời điểm đó bị “phủ bóng” bởi vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Vịnh Oman. Vì vậy, lần công cán này của Tổng thống Rouhani được cho là chủ yếu sẽ góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống giữa Iran và Nhật Bản, chứ Tokyo sẽ khó thuyết phục Tehran và Washington tháo ngòi nổ căng thẳng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.