Được coi là cơ hội "phút chót" để các bên nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhưng hội nghị COP25 kết thúc với một tuyên bố chung chung thực sự gây thất vọng.
Nhà hoạt động trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại hội nghị COP 25 ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 11-12-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha) đã kết thúc với kết quả "khiêm tốn," thể hiện sự bế tắc dù các phiên thảo luận đã được kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến ban đầu.
COP 25 diễn ra khi toàn thế giới đã thực sự hứng chịu những thảm họa thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu như những cơn bão mạnh chưa từng thấy, hạn hán chết người, đợt lũ lụt lịch sử hay nắng nóng kỷ lục.
Hàng triệu người rơi vào cảnh đói ăn và Liên hợp quốc ước tính hơn 20 triệu người có thể buộc phải rời bỏ "tổ ấm" chỉ vì biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, giới khoa học liên tiếp đưa ra hàng loạt bằng chứng về những tác động khắc nghiệt hơn của biến đổi khí hậu trong tương lai gần khi tính tới nay, nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C và đang trong lộ trình để tăng thêm 2 hoặc 3 độ C nữa vào năm 2100.
Tận mắt chứng kiến những thảm họa thiên nhiên "chưa từng có tiền lệ," hàng triệu nhà hoạt động trẻ tuổi, những chủ nhân tương lai của hành tinh, những người trực tiếp hứng chịu hậu quả, đã "thức tỉnh," tổ chức các cuộc tuần hành hằng tuần nhằm yêu cầu các kế hoạch hành động cụ thể.
Điều phối viên của hội nghị Andres Landerretche thừa nhận dư luận tập trung cao độ vào COP 25 và các bên tham gia cần phải tháo gỡ thách thức chưa từng có trong lịch sử này.
Cuối ngày 15/12, sau những phiên thảo luận căng thẳng và gay gắt, các bên cũng ra được một tuyên bố chung thừa nhận "tính cấp thiết" của việc gia tăng cam kết cắt giảm khí thải carbon nhằm thu hẹp khoảng cách giữa mức thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C.
Vốn được coi là cơ hội "phút chót" để các bên nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, việc hội nghị cuối cùng kết thúc với một tuyên bố chung chung thực sự gây thất vọng.
Khi các đoàn đàm phán rời Madrid, những vấn đề mấu chốt được nêu trước hội nghị như cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon, vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của những hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ngay cả việc những khoản bồi thường này có thực sự cần thiết hay không cũng gây chia rẽ.
Giới chuyên gia đánh giá hội nghị lần này kết thúc mà không đạt được kết quả như kỳ vọng nhằm ngăn chặn kịch bản một thế giới bị tình trạng nóng lên toàn cầu "tàn phá."
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thất vọng về kết quả Hội nghị COP 25. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Thay vì gửi đi một thông điệp rằng các chính phủ sẽ sẵn sàng với những mục tiêu gấp đôi những gì được nêu ra trong Hiệp định Paris, trên thực tế, ngay cả khi áp lực đã gia tăng từ bốn phía, hội nghị lần này vẫn chứng kiến sự chia rẽ vốn có giữa các quốc gia phát triển từng là nguồn thải khí nhà kính chính và các quốc gia đang phát triển là nguồn thải chính ở thời điểm hiện tại.
Hai bên không thể tìm tiếng nói chung về vấn đề bên nào nên cắt giảm khí thải, với con số cụ thể là bao nhiêu và làm thế nào để phân chia gánh nặng hàng nghìn tỷ USD cần thiết giúp con người có thể thích ứng với một thế giới đang bị biến đổi khí hậu "quần thảo."
Bà Laurence Tubiana, CEO của Quỹ khí hậu châu Âu, nhà đàm phán hàng đầu của Pháp và cũng là "kiến trúc sư trưởng" của Hiệp định Paris, nhận định những quốc gia lớn đã không đáp ứng được kỳ vọng trong hội nghị lần này.
Mỹ bị coi là "bên phá đám" khi tham gia hội nghị "mà không thực sự thiện chí," nhất là khi Washington đã chính thức kích hoạt tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước xếp thứ nhất và thứ tư về lượng khí thải, tuyên bố không thấy cần phải cắt giảm hơn nữa so với mục tiêu đã đề ra.
Thay vào đó, hai nước nhấn mạnh "trách nhiệm lịch sử" của những nước phát triển trong việc cung cấp tài chính cho các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Mỹ, Australia và Saudi Arabia cũng khẳng định không điều chỉnh cam kết hạn chế lượng khí thải.
Những tranh cãi "không hồi kết" này đã kéo dài hơn 3 năm qua và vẫn bế tắc tại Madrid cho thấy tham vọng để các nước tiến tới cam kết cắt giảm khí thải sâu hơn nữa thực sự xa vời.
Trong khi các quốc gia lớn còn lúng túng thì chính Liên minh châu Âu (EU), những quốc đảo nhỏ và những quốc gia ít phát thải nhất lại nổi lên như nguồn động lực cho các kế hoạch cắt giảm carbon tự nguyện.
Theo CEO Tubiana, nhờ những nỗ lực của các đảo quốc nhỏ, các quốc gia châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, hội nghị cuối cùng vẫn kết thúc với một tuyên bố chung, thay vì thất bại hoàn toàn và đây được coi là kết quả khả quan nhất, cũng là lời phản bác với "sự ngập ngừng" của những quốc gia thải khí hàng đầu.
Liên hợp quốc cảnh báo để hạn chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C, lượng khí thải ra môi trường cần phải giảm 7% mỗi năm từ nay tới 2030 và điều kiện duy nhất là kinh tế toàn cầu cần phải được tái cấu trúc, nhưng thực tế lượng khí thải mỗi năm lại tăng 4% kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết.
Tuy nhiên, diễn biến của COP 25 đang trái ngược với "bầu không khí nóng" của phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu hay những thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ thất vọng với kết quả của hội nghị lần này và cho rằng cộng đồng quốc tế đã mất đi một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn trong việc xoa dịu, thích ứng và chuẩn bị nguồn tài chính để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Kết quả trên đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ phải để lại tới COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020, kỳ hội nghị cuối cùng trước khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực.
Theo Vietnamplus.vn