Chết từ từ vì rác thải điện tử

.

Mặc dù có lệnh cấm nhập rác thải nhưng ngành tái chế chất thải điện tử đang bùng nổ ở Thái Lan khiến người dân lo ngại.

Những người lao động nước ngoài đang phân loại rác thải ở nhà máy New Sky Mental.
Những người lao động nước ngoài đang phân loại rác thải ở nhà máy New Sky Mental.

Vi phạm vẫn hoạt động

New Sky Mental là một trong những nhà máy tái chế rác thải điện tử “có tiếng” ở Đông Nam Á kể từ khi Trung Quốc không nhập khẩu rác thải đầu năm 2018. Những công nhân nam người nước ngoài đang phân loại rác ở ngoài sân. Trong căn nhà thiếu ánh sáng gần đó, những phụ nữ dùng búa và bàn tay thô ráp của mình đập những viên pin, bo mạch và cuộn dây điện. Số khác cố xúc những miếng kim loại vỡ đổ vào thùng sẵn sàng cho công việc nấu sau đó. Khi họ nấu đồ thải điện tử, khói đen bao trùm những ngôi làng và trang trại gần đó. Người dân xung quanh nhà máy không biết đó là nhựa hay kim loại nhưng nghe mùi khó chịu.

Thái Lan trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử bất chấp các nhà hoạt động môi trường tác động tới chính phủ có những quyết định giúp cân bằng giữa lợi nhuận với môi trường sống. Giám đốc điều hành mạng lưới Basel Action chuyên về chống lại rác thải công nghiệp ở những nước nghèo là Jim Puckett cho biết, cách dễ nhất để kiếm tiền là sử dụng lao động giá rẻ bất hợp pháp và phá hoại môi trường. Người đứng đầu Cơ quan cảnh báo và phục hồi sinh thái Thái Lan là ông Penchom Saetang nói ngắn gọn: Mỗi cuộn dây, bo mạch có lợi nhuận lớn nếu chỉ xét về yếu tố công nghiệp mà bỏ qua yếu tố môi trường và người lao động.

Liên Hợp Quốc cho biết mỗi năm có tới 50 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn thế giới. Khái niệm tái chế thoạt nghe có vẻ nhân văn nhưng thực tế là điều kinh khủng. Thứ nhất, đó là công việc bẩn thỉu và nguy hiểm. Thứ hai để tách một ít vàng, bạc và đồng từ điện thoại di động, máy tính và ti-vi.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Công nghiệp Thái tỏ ra quyết liệt trong việc cấm nhập khẩu rác thải điện tử. Cảnh sát làm một loạt các vụ đột kích vào ít nhất 10 công ty, trong đó có New Sky Mental. Yutthana Poolpipat là người đứng đầu Hải quan cảng Laem Chabang nói cứng hồi tháng 9 rằng New Sky Mental dứt khoát phải bị đóng cửa và không có bất cứ lượng rác thải điện tử nào về Thái Lan nữa. Vậy mà tới giờ nhà máy này vẫn hoạt động bình thường. Mỗi lần vi phạm như thế, New Sky Mental chỉ bị phạt tối đa 650 USD vì thiếu giấy phép.

Kể từ khi có lệnh cấm nhập khẩu rác thải điện tử hồi năm 2018, đã có thêm 28 nhà máy mới chuyên tái chế rác thải điện tử ở Bangkok, Chachoengsao... Phần lớn những nhà máy mới nằm ở miền trung giữa Bangkok và Laem Chabang có cảng lớn nhất nước. Quan chức Thái Lan lý giải là các nhà máy hoạt động để xử lý lượng hàng cũ và lượng hàng nội địa. Các chuyên gia nhận định lý giải như trên kém thuyết phục bởi lượng hàng cũ không kéo dài lâu với một loạt nhà máy mới ra đời, lượng hàng nội địa cũng sẽ không thể đáp ứng nổi nguyên liệu sản xuất. Chính vì thế, sẽ có lượng hàng lớn nhập lậu để các nhà máy duy trì hoạt động. Tháng 10 vừa qua, Thái Lan công bố các quy định về môi trường và lao động có lợi cho ngành công nghiệp xử lý rác thải điện tử. Có một điều khoản cho phép các công ty nhỏ không còn phải chịu sự giám sát ô nhiễm.

“Chào đón đợt suy thoái môi trường”

Đấy là lời nhận định của giảng viên Somnuck Jongmeewasin về quản lý môi trường thuộc Đại học quốc tế Silpakorn. Ông cho biết một số loại chất thải điện tử nếu không được đốt tới nhiệt độ đủ cao thì dioxin trong nó có thể gây ra ung thư, và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực. Nếu không bảo vệ đúng cách thì kim loại nặng sẽ thấm vào đất và mạch nước ngầm. Một người phụ nữ tên là Ei Thazin cho biết cô được trả công 10 USD/ngày để phân loại kim loại mà cô không hề hay biết đây là công việc nguy hiểm. Một người đàn ông không hiểu vì sao chất lỏng này đổ lên tay ông dẫn tới bỏng nặng.

Xung đột lợi ích giữa các nhà máy và người dân địa phương cũng đã bắt đầu xuất hiện. Cô Phayao Jaroonwong, một nông dân cho biết mùa màng của gia đình mất trắng kể từ khi một nhà máy tái chế rác thải điện tử dựng lên sát nhà. Nhà sư Phra Chayaphat Kuntaweera cũng cho hay ông bắt đầu ho, rồi nôn mửa và đau đầu khi các nhà máy tái chế rác thải… mọc quanh ngôi chùa ông đang trụ trì.

Nhà hoạt động môi trường Sumate Rianpongnam kêu gọi người dân ở Kabinburi chống lại việc tái chế rác thải đã bị uy hiếp hồi tháng 9 vừa qua. Vài người đàn ông đi trên xe máy bắn đạn vào gần nhà ông rồi bỏ đi. Sau đó, vài người khác đi trên chiếc xe bán tải ném lựu đạn nhỏ vào nhà bạn của ông Sumate. Lựu đạn nổ nhưng may mắn không có ai bị thương. Một người dân than thở trong bất lực: “Chúng tôi không có quyền lựa chọn không khí để thở. Còn nhiều nhà máy nữa sẽ mọc lên và chúng tôi sẽ chết từ từ”.

ANH THƯ (Theo New York Times)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.