Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại thành phố Thành Đô, đông nam Trung Quốc, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên khi mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Mỹ đang xấu đi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà Xanh ngày 5-12. Ảnh: AP |
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ đến Trung Quốc vào ngày 23-12 và có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường cùng Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào một ngày sau đó ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Theo bà Ko Min-jung, người phát ngôn của Nhà Xanh, ba nhà lãnh đạo sẽ bàn những giải pháp thúc đẩy hợp tác 3 bên nhằm đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cũng sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Abe và sau đó đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố kế hoạch hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn.
Sự kiện lần này diễn ra trong lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có nguy cơ trở lại giai đoạn “bờ vực”; hơn nữa, “thời hạn cuối” mà Bình Nhưỡng đặt ra để Washington có các động thái linh hoạt trong đàm phán cũng đang đến gần. Tuần trước, trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, những nỗ lực ngoại giao của toàn cầu trong việc giảm căng thẳng hạt nhân với Bình Nhưỡng đang ở “ngã tư quan trọng”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục phát huy “vai trò tích cực” trong tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ngày 10-12 mô tả “vụ thử quan trọng” mới đây nhất của Triều Tiên là thử động cơ tên lửa và thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động quân sự tương tự. Trong cuộc họp báo thường kỳ một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết, chính phủ sẽ có những hành động cần thiết để duy trì và thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều. Seoul cũng thông báo sẽ khởi động dự án trị giá 5 triệu USD viện trợ y tế cho bà mẹ và trẻ em Triều Tiên thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn bị tạm ngừng gần 5 năm qua.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra hai lần vào tháng 6-2018 và tháng 2-2019, cùng cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6-2019 tại khu vực phi quân sự, biên giới liên Triều, đánh dấu những nỗ lực làm trung gian hòa giải của Tổng thống Moon Jae-in. Song, những sự kiện mang tính bước ngoặt này chỉ hoàn thành một sứ mệnh: mở cánh cửa đàm phán và tạo ra hy vọng, chứ thực tế đưa ra cam kết mơ hồ về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hoặc không có tuyên bố chung, hoặc là những cái bắt tay mang tính biểu tượng và lời ca ngợi lẫn nhau… Hàn Quốc vẫn luôn kiên trì thuyết phục Mỹ và Triều Tiên tiếp tục theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã thông báo kế hoạch thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày, kể từ 23-12. Ông Abe cũng dự kiến hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Nhật Bản lo ngại chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, nhất là nguy cơ Bình Nhưỡng tái khởi động các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhật Bản là một trong những đối tác tham gia đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (cùng với Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga). Tuy nhiên, đàm phán này không được tổ chức kể từ năm 2008 đến nay. Theo các chuyên gia, Triều Tiên có thể đề xuất nối lại đàm phán 6 bên vào năm 2020.
Đảng Lao động Triều Tiên cũng dự kiến triệu tập cuộc họp cấp trung ương vào cuối tháng 12 để quyết định “các vấn đề quan trọng”. Điều này làm dấy lên đồn đoán sẽ có sự thay đổi chính sách liên quan đến đàm phán hạt nhân. Song, một vấn đề có thể dẫn đến phản ứng của Bình Nhưỡng ngay lập tức là việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp trong tuần này theo yêu cầu của Mỹ để bàn về “những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên”.
Theo hãng Reuters, kể từ năm 2008, Trung - Nhật - Hàn thường tổ chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm để thúc đẩy hợp tác khu vực. Tuy nhiên, sự kiện này luôn bị “phủ bóng” bởi những bất đồng trong mối quan hệ song phương, nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Từ năm 2016, Seoul và Bắc Kinh căng thẳng xung quanh việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, còn quan hệ giữa Seoul với Tokyo cũng xuống đến mức thấp nhất do bất đồng về các vấn đề lịch sử và thương mại. |
PHÚC NGUYÊN