Ít triển vọng Mỹ - Triều gặp thượng đỉnh

.

Trong lúc thế giới mong đợi Mỹ và Triều Tiên gặp thượng đỉnh trở lại, tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc không cần thiết có những cuộc đàm phán kéo dài với Washington dường như dập tắt triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5 vừa qua. Ảnh: AP
Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5 vừa qua. Ảnh: AP

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 7-12 khẳng định, vấn đề phi hạt nhân hóa không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết. Theo ông Kim Song, Washington tìm cách câu giờ để mang lại lợi ích cho chương trình nghị sự trong nước, hàm ý chỉ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Vị đại sứ này cũng phản đối việc Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Ba Lan, Estonia lên án Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Theo tạp chí The National Interest, Triều Tiên hiện không sẵn sàng ngồi xuống mặt đối mặt với người Mỹ. 18 tháng qua, 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, 1 cuộc gặp tại khu vực phi quân sự liên Triều, 1 tuyên bố chung, một vài lá thư trao đổi giữa hai bên và những lời lẽ hoa mỹ về tình bạn, Triều Tiên cũng không thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa nào, thế nhưng có rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa kể từ hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ hai vào tháng 2 vừa qua ở Việt Nam. Các nhà khoa học Siegfried Hecker, Robert Carlin và Elliot Serbin ở Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng năm 2018, Triều Tiên đã tạo ra uranium và plutonium cho thêm 5-7 vũ khí hạt nhân. Việc sản xuất nhiên liệu cho bom và các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, tầm trung không dừng lại. Hoạt động tại cơ sở nghiên cứu Yongbyon vẫn diễn ra bình thường. Về phương diện hạt nhân, các cuộc đàm phán không tạo ra đột phá nào ngoài việc ngừng các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Song, ngừng thử hạt nhân chỉ là tuyên bố đơn phương của ông Kim Jong-un, hơn là tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Vì vậy, theo tạp chí The National Interest, phát biểu của Đại sứ Kim Song không gây ngạc nhiên, nhưng khiến Mỹ và Hàn Quốc không thể xem như không có chuyện gì. Phía Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống nhất rằng, tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên rất nghiêm trọng, cần thúc đẩy đối thoại để nhanh chóng đạt kết quả trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ông Moon Jae-in và ông Trump có thể sẽ tiếp tục gặp thượng đỉnh để tìm giải pháp. Ông Trump cũng lên tiếng hy vọng giảm căng thẳng đang leo thang và một lần nữa nhấn mạnh quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore vào tháng 6-2018, Triều Tiên khẳng định sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy những lợi ích về chính trị và kinh tế từ bên ngoài. Trước cuộc gặp lúc đó, Triều Tiên nói rằng sẽ chỉ phi hạt nhân hóa nếu Mỹ rút 28.500 binh sĩ đang đóng ở Hàn Quốc về nước, ngừng tập trận quân sự chung với Seoul và có các bước bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Song, nhiều chuyên gia hoài nghi việc Triều Tiên sẽ hoàn toàn ngừng chương trình hạt nhân mà nước này đã xây dựng trong nhiều thập niên.

Một vụ thử “rất quan trọng” của Triều Tiên cũng đã được tiến hành tại bãi phóng Sohae vào ngày 7-12 vừa qua. Chưa rõ Triều Tiên thử gì, có phải là động cơ tên lửa như nước này tuyên bố hay không, nhưng bãi phóng Sohae là nơi mà ông Kim Jong-un từng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Theo hãng Yonhap, Triều Tiên trước đó có những dấu hiệu về việc sắp thử động cơ tên lửa ở bãi phóng Sohae và tuyên bố thử thành công một động cơ tên lửa mới có thể là tiền đề cho một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa sắp tới. Với vụ thử vào ngày 7-12, Triều Tiên tiếp tục gửi thông điệp đến Tổng thống Trump về “thời hạn cuối” (ngày 31-12-2019) mà Bình Nhưỡng đặt ra để Mỹ có sự linh hoạt trong đàm phán, nếu không thì quốc gia châu Á này sẽ có “con đường mới”. Giới quan sát có những lý do để lo ngại ngoại giao hạt nhân bế tắc và rất ít triển vọng cho một cuộc gặp thượng đỉnh mới Mỹ - Triều. 

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.