Mỹ và Đông Á chờ "quà Giáng sinh" từ Triều Tiên

.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc diễn ra tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) vào ngày 24-12, trước thềm Giáng sinh. Các nhà lãnh đạo của 3 nước này (và cả Mỹ) đều hồi hộp hướng về Triều Tiên để chờ “quà Giáng sinh” mà Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ dành cho Washington.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tham gia buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Thành Đô. 	Ảnh: Tân Hoa xã
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tham gia buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Thành Đô. Ảnh: Tân Hoa xã

Tuy Triều Tiên dọa sẽ dành “quà Giáng sinh” cho Mỹ nếu Washington không có sự nhượng bộ trong đàm phán phi hạt nhân hóa trước thời hạn cuối năm nay, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều dõi theo động thái của Bình Nhưỡng. Hãng AFP cho biết, giới phân tích và các quan chức Mỹ suy đoán, “quà Giáng sinh” của Triều Tiên có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc là dịp để 3 quốc gia này thúc đẩy hợp tác, hướng đến phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Tại hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, 3 cường quốc trong khu vực cần “hợp tác hài hòa”, bởi 3 nước có cùng giấc mơ thúc đẩy một thế giới bền vững. Tại cuộc họp báo sau đó ở thành phố Thành Đô, ông Moon nhấn mạnh: Seoul cùng Trung Quốc, Nhật Bản chia sẻ quan điểm chung rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nằm trong “lợi ích chung” của 3 nước, đồng thời quyết định sẽ phối hợp để bảo đảm tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình thông qua đối thoại Mỹ - Triều. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đề cập “mục tiêu chung” của 3 nước là “phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn ở Đông Á”, đồng thời cho hay cả ba nhà lãnh đạo tái khẳng định cần tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc thúc giục nối lại đàm phán Mỹ - Triều, vốn bế tắc kể từ lần gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua tại Việt Nam.

Các nhà quan sát cũng đưa ra nhận định, “quà Giáng sinh” có thể là việc Triều Tiên từ chối nối lại đàm phán với Mỹ, củng cố vị thế của quốc gia châu Á này là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp Triều Tiên thử ICBM, đây sẽ là vụ thử tên lửa tầm xa đầu tiên của Bình Nhưỡng trong vòng 2 năm qua. Song, nếu điều đó xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ không những vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn vi phạm cam kết cá nhân giữa ông Kim Jong-un với ông Donald Trump về việc không thử những vũ khí như thế. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không thể “khoe” rằng, ông đã thành công trong việc giảm rủi ro từ Triều Tiên; mối quan hệ Mỹ - Triều có thể trở lại những ngày Washington đe dọa dùng “lửa và thịnh nộ” đối với Bình Nhưỡng. Hơn nữa, bất kỳ vụ thử ICBM nào cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mà nhà lãnh đạo này theo đuổi từ năm ngoái đến nay nhằm đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau, và đưa Washington - Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Đồng thời, việc Triều Tiên thử ICBM sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời sẽ buộc Tổng thống Donald Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn.

Ngày 4-7-2017, Triều Tiên đã thử ICBM Hwasong-14 và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gọi đây là “quà tặng” nhân kỷ niệm Ngày quốc khánh Mỹ. Giờ đây, các quan chức Mỹ cảnh báo ông Kim về khả năng chống lại một vụ phóng tên lửa tầm xa. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun, hồi tuần trước nói rằng, “hành động như thế (của Bình Nhưỡng) sẽ không có ích gì trong việc đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”. 
Hãng tin Yonhap cho hay, quân đội Hàn Quốc đang sẵn sàng cho một kịch bản xấu nhất và giám sát chặt chẽ quốc gia láng giềng Triều Tiên. Theo các quan chức Hàn Quốc, có rất ít dấu hiệu Triều Tiên có những động thái quân sự bất thường. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đưa ra cảnh báo các hãng hàng không thương mại về khả năng Triều Tiên thử tên lửa tầm xa trong những tuần tới. FAA đề cập khả năng Triều Tiên thực hiện “những vụ phóng thử tên lửa tầm xa trước khi kết thúc năm 2019, hoặc vào đầu năm 2020”. 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.