Tìm giải pháp hòa bình cho đông Ukraine

.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Điện Élysée ở Paris (Pháp) ngày 9-12 được kỳ vọng mở cánh cửa mang lại hòa bình cho vùng Donbass sau 5 năm xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) lần đầu gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) lần đầu gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đối mặt với phép thử lớn khi ông ngồi vào bàn nghị sự ở Paris. Hội nghị bộ tứ theo định dạng Normandy (với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức) là cơ hội tốt nhất để có thể tìm giải pháp kết thúc xung đột tại đông Ukraine. Mục tiêu của cuộc gặp 4 bên là thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk; thống nhất giải tán lực lượng ly khai, rút các binh sĩ nước ngoài khỏi Donetsk và Lugansk; Ukraine giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga; trao quyền tự trị một phần cho các khu vực do phe đối lập nắm giữ tại miền đông; đặt ra lịch trình bầu cử tại Donetsk và Lugansk theo luật Ukraine.

Với vai trò trung gian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn khép lại cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua làm 13.000 người chết và hàng triệu người khác rời bỏ nhà cửa. Pháp và Đức cũng đã làm trung gian để đạt được thỏa thuận Minsk hồi năm 2015, đặt ra thời hạn rõ ràng cho các bên ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đông Ukraine. Song, thỏa thuận này chưa bao giờ được thực thi bởi bên này cáo buộc bên kia vi phạm; đàm phán giữa Ukraine và Nga bế tắc dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko, người tiền nhiệm của ông Zelenskiy.

Khi nhậm chức tổng thống hồi tháng 5 vừa qua, dù là gương mặt mới trên chính trường nhưng ông Zelenskiy thắp lên hy vọng hòa bình với cam kết không dùng chiến dịch quân sự để kết thúc cuộc xung đột ở đông Ukraine. Ông Zelenskiy cho rằng, đàm phán với Nga là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Điện Kremlin cũng phát tín hiệu sẵn sàng làm việc cùng tân Tổng thống 41 tuổi của Ukraine. Việc hai nước mới đây trao trả 70 tù binh, Nga trao trả 3 tàu Ukraine mà nước này bắt giữ trên Biển Đen cách đây 1 năm là những tín hiệu tích cực nhằm “dọn đường” cho cuộc gặp thượng đỉnh và tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, ông Zelenskiy sẽ gặp khó trước một nhà lãnh đạo Nga cứng rắn, dày dặn kinh nghiệm trên chính trường và một Tổng thống Pháp muốn “xích lại” gần Moscow. Theo các nhà quan sát, Tổng thống Putin không muốn trở lại bàn đàm phán với “tay trắng” và sẽ thúc đẩy việc phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Nga.

Khủng hoảng ở đông Ukraine xảy ra từ năm 2014, khi các chiến binh thân Nga tại khu vực này đòi độc lập. Sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, lực lượng ly khai đã chiếm giữ các khu vực Donetsk và Lugansk ở đông Ukraine.

Tuy nhiên, giữa Nga và Ukraine vẫn còn nhiều khác biệt. Nga muốn dùng hội nghị thượng đỉnh lần này để gia tăng áp lực buộc Tổng thống Zelenskiy thực thi thỏa thuận Minsk. Trong khi đó, ông Zelenskiy muốn điều chỉnh thời gian trong thỏa thuận và nói rằng, Ukraine trước hết phải kiểm soát biên giới của mình trước khi tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Điện Kremlin không đồng ý phương án của Kiev và lực lượng ly khai ở đông Ukraine hy vọng Nga, Pháp, Đức sẽ từ chối đề nghị của ông Zelenskiy. Vì vậy, tâm điểm của bất đồng là điều khoản nào cần được ưu tiên.

Nga cũng muốn đạt được thỏa thuận với Ukraine để ngăn nước láng giềng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn với Tổng thống Zelenskiy, bất kỳ sự nhượng bộ lớn nào cũng sẽ dễ khơi mào cho một cuộc cách mạng thứ ba ở quốc gia Đông Âu này.

Theo AFP, các nhà quan sát không kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình toàn diện, nhưng cho rằng cuộc gặp gỡ vào chiều 9-12 sẽ thúc đẩy niềm tin giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, tạo đà thuận lợi cho tiến trình hòa bình trong tương lai. Phát biểu với báo chí trước khi diễn ra hội nghị bộ tứ Normandy, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas mô tả xung đột ở đông Ukraine là “vết thương hiện tại của châu Âu”, đồng thời cho biết các bên sẽ nỗ lực nhằm đạt được tiến bộ trong tiến trình hòa bình. Cựu quan chức Điện Kremlin Alexei Chesnakov nhấn mạnh: “Có thể có tiến triển (trong đàm phán), nhưng sẽ không có sự đột phá nào”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.