Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc thống nhất sẽ nỗ lực phối hợp để duy trì động lực đối thoại với Bình Nhưỡng trong lúc có những lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 23-12. Ảnh: Yonhap/Kyodo |
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra trong 55 phút vào ngày 23-12 ở thủ đô Bắc Kinh, trước khi người đứng đầu Nhà Xanh đến thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) để tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Hãng Yonhap cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in thống nhất sẽ nỗ lực phối hợp để duy trì động lực đối thoại với Triều Tiên khi có những quan ngại về việc Bình Nhưỡng có thể sớm nối lại việc thử tên lửa tầm xa. “Có nhiều người đang lo lắng về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Hàn Quốc nên hợp lực để thúc đẩy Triều Tiên và Mỹ duy trì động lực đối thoại”, người phát ngôn Nhà Xanh Ko Min-jung có mặt tại Bắc Kinh dẫn lời ông Tập Cận Bình nói. Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh và Seoul sẽ đạt được rất nhiều điều nếu hai nước chung tay. Ông Tập cũng ủng hộ những nỗ lực của Seoul trong việc cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, theo Reuters, người phát ngôn Ko Min-jung cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Duy trì động lực đối thoại Mỹ - Triều Tiên là quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác”. Trung Quốc là nước ủng hộ ngoại giao và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên. Còn Hàn Quốc tham gia kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên kể từ năm 2018 đến nay; thúc đẩy ngoại giao, tạo đà cho các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, việc ngừng đàm phán Mỹ - Triều và gia tăng căng thẳng không có lợi cho cả Hàn Quốc, Trung Quốc lẫn Triều Tiên. Trong 6 tháng cuối năm 2019, quan hệ Mỹ - Triều không còn ấm lên, mà thường xuyên xuất hiện những cảnh báo, răn đe. Bình Nhưỡng đã đặt ra thời hạn cuối năm nay để Mỹ có những nhượng bộ trong đàm phán phi hạt nhân hóa, hướng đến thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng dọa sẽ có “bước đi mới” nếu Washington không đưa ra một đề xuất mới. Tiến trình đàm phán Mỹ - Triều và phi hạt nhân hóa hiện vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi hai bên không giải quyết được những quan điểm khác biệt về việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế trước, hay phi hạt nhân hóa trước.
Các chuyên gia và các nhà phân tích nhận định, “món quà Giáng sinh” mà Triều Tiên cảnh báo có thể là phóng vệ tinh hoặc thử tên lửa. Song, việc quốc gia châu Á này nhóm họp Ủy ban Quân ủy Trung ương khiến một số nhà quan sát lo ngại khả năng một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục địa. (ICBM). Hơn nữa, hãng AP ngày 23-12 còn dẫn một hình ảnh vệ tinh mới của Planet Labs về một nhà máy - nơi Triều Tiên sản xuất thiết bị quân sự được sử dụng để phóng các tên lửa tầm xa - cho thấy nước này đang xây dựng một cấu trúc mới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng, khả năng Triều Tiên thử ICBM là rất thấp bởi một động thái như vậy sẽ làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ chính các nước đồng minh như Nga và Trung Quốc. Và cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc - Hàn Quốc, Trung Quốc - Nhật Bản, hay hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung - Nhật - Hàn được kỳ vọng sẽ đưa ra thông điệp kêu gọi đối thoại, thúc đẩy đàm phán cùng với những cách tiếp cận linh hoạt, mềm mỏng hơn.
Trung Quốc muốn giúp Nhật - Hàn hóa giải căng thẳng Cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn vào hôm nay (24-12) ở thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) dự kiến đề cập vấn đề kinh tế, căng thẳng giữa Seoul và Tokyo cũng như vấn đề Triều Tiên. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị vào chiều 24-12, đây cũng là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9-2018. Các nhà quan sát ngoại giao nhận định, Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng ở Đông Á khi đóng vai trò trung gian trong mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Cai Liang (Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc) nói: “Trung Quốc không đứng về phía nước nào trong mâu thuẫn này, nhưng có thể giúp hai quốc gia giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp ngoại giao. Trung Quốc sẵn sàng tạo ra nền tảng với nhiều biện pháp ngoại giao khéo léo. Cuộc họp ba bên này chính là một nền tảng như vậy”. KHANG NINH |
PHÚC NGUYÊN