Cải cách vì nước Nga thịnh vượng

.

Đề xuất cải cách chính trị được Tổng thống Vladimir Putin đề cập trong Thông điệp liên bang ngày 15-1 nhằm thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị, dẫn dắt nước Nga bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21.

Ông Mikhail Mishustin được chọn làm Thủ tướng Nga. 			           Ảnh: Reuters
Ông Mikhail Mishustin được chọn làm Thủ tướng Nga. Ảnh: Reuters

Các hãng tin thế giới đều gọi động thái cải tổ chính trị của Nga là “cơn địa chấn”, nhất là khi Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng chính phủ từ chức vào đêm 15-1 (giờ Việt Nam), chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang, nhằm dọn đường để hiện thực hóa kế hoạch cải cách. Ông Putin cũng thành lập nhóm công tác soạn thảo các đề xuất sửa đổi hiến pháp gồm 75 thành viên.

Tân Thủ tướng 53 tuổi

Ngày 16-1, đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền nhất trí phê chuẩn đề cử ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga, làm Thủ tướng mới. Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), trong đó đảng Nước Nga thống nhất chiếm 75% số ghế, sau đó cũng phê chuẩn vai trò mới của ông Mishustin. Nước Nga có tân Thủ tướng 53 tuổi là nhà kỹ trị với mục tiêu số hóa nền kinh tế và xã hội, dù ông ít được biết đến. Thủ tướng mới sẽ công bố kế hoạch cải cách, hiện đại hóa nền kinh tế nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Theo hãng AFP, hiện chưa rõ ông Mishustin là “người giữ chỗ tạm thời” hay có thể sẽ được chọn làm người kế nhiệm Tổng thống Putin. Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin và những diễn biến trên chính trường Nga làm dấy lên đồn đoán về vai trò của nhà lãnh đạo 67 tuổi này sau năm 2024, thời điểm ông phải rời Điện Kremlin theo quy định.

Nhà phân tích chính trị độc lập Maria Lipman cho rằng, ông Putin sẽ vẫn là nhân vật số 1 của Nga. Hiến pháp hiện tại yêu cầu ông Putin từ chức khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai liên tiếp, nhưng có thể đảm nhận vị trí khác. Nhiệm kỳ Tổng thống vẫn còn 4 năm nữa và ông Putin đang tính đường xa, mặc dù người đứng đầu Điện Kremlin không bình luận gì về kế hoạch cải cách và không tạo ra vị trí rõ ràng của mình trong tương lai. Nhà phân tích chiến lược Sergey Utkin tại Moscow nhận định, nhiều khả năng ông Putin sẽ trở thành lãnh đạo Hội đồng Nhà nước - cơ quan được trao thêm nhiều quyền lực quan trọng trong hiến pháp sửa đổi.

Thay đổi nền tảng của hiến pháp

Ông Dmitry Medvedev, đồng minh thân thiết của Tổng thống Putin và giữ chức Thủ tướng từ năm 2012 lý giải rằng, việc ông cùng “chính phủ định dạng hiện nay” từ chức là động thái cần thiết nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống tiến hành các biện pháp cải cách. Ông Medvedev cũng cho hay, cải cách của Tổng thống Putin sẽ tạo ra “những thay đổi nền tảng” cho hiến pháp và “sự cân bằng quyền lực”.

Ông Medvedev đã nhận lời làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh - một chức vụ mới do Tổng thống Putin đặt ra. Hội đồng An ninh vốn do ông Putin làm Chủ tịch, có nhiệm vụ giám sát việc soạn thảo các quyết định của Tổng thống về những vấn đề chiến lược phát triển đất nước; bảo vệ lợi ích sống còn của công dân, xã hội và quốc gia trước các mối đe dọa trong và ngoài nước; thúc đẩy chính sách thống nhất để bảo đảm an ninh. Chuyên gia Alexander Baunov, Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow gọi Hội đồng An ninh là “chiếc dù bằng vàng”, bởi đây là nhóm thân cận nhất của Tổng thống Putin.

Trong Thông điệp liên bang, ông Putin đã nhấn mạnh, xã hội “rõ ràng yêu cầu sự thay đổi” và “chúng ta sẽ chỉ có thể xây dựng một nước Nga hùng mạnh, thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng ý kiến của công chúng”. Người dân Nga cũng chờ đợi quốc gia này sẽ chuyển động nhanh chóng như thế nào khi có sự thay đổi hệ thống chính trị với “tầm nhìn mới” của Tổng thống Putin. 

Nhà kỹ trị Mikhail Mishustin

Ông Mikhail Mishustin (53 tuổi) vốn không phải là ứng viên hàng đầu để trở thành Thủ tướng Nga. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin và làm việc cho chính phủ kể từ năm 1998 tại Cơ quan Thuế Liên bang Nga (lúc đó gọi là Cơ quan Thuế nhà nước).

Năm 2004, ông Mishustin được bổ nhiệm đứng đầu Cơ quan Đăng ký đất đai liên bang và trở thành người đứng đầu Cơ quan Quản lý vùng kinh tế đặc biệt năm 2006.

Năm 2009, ông Mishustin chuyển sang làm việc trong một công ty đầu tư. Forbes ước tính ông Mishustin có thu nhập khoảng 78 triệu rúp, tương đương hơn 2 triệu USD trong năm 2009.

Năm 2010, ông Mishustin trở lại làm việc tại Cơ quan Thuế Liên bang Nga và được ông Vladimir Putin lúc đó làm Thủ tướng chọn đứng đầu cơ quan này. Giờ đây, khi trở thành Thủ tướng, ông Mishustin sẽ công bố kế hoạch cải cách, hiện đại hóa nền kinh tế nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.