Tổng thống Putin muốn thay đổi hiến pháp

.

Trong bài phát biểu liên bang ngày 15-1, ông Vladimir Putin đề xuất thay đổi hiến pháp của Nga, thắt chặt tiêu chuẩn đối với bất kỳ ai muốn trở thành Tổng thống.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 16.                                             Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 16. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 16 trước 1.300 khách mời ở thủ đô Moscow, trong đó đề cập vấn đề sửa đổi hiến pháp. Những thay đổi được ông Putin nêu bao gồm: trao cho Quốc hội quyền chọn Thủ tướng và giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ, cũng như chọn các thành viên nội các, thay vì do Tổng thống quyết định; nâng cao vai trò của Hội đồng nhà nước - cơ quan chính phủ do ông lãnh đạo; và nhiều người tin rằng, ông có thể nắm quyền không chính thức cơ quan này sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.

Theo ông Putin, Tổng thống giữ quyền bãi nhiệm Thủ tướng và các thành viên nội các; Tổng thống cũng có quyền chọn các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu. Song, bất kỳ sự thay đổi nào trong hiến pháp cũng sẽ được đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý. “Chúng ta sẽ chỉ có thể xây dựng một nước Nga thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng ý kiến công chúng. Chúng ta chắc chắn sẽ cùng nhau thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, ông Putin nhấn mạnh.

880

là số phóng viên trong và ngoài nước Nga tham gia đưa tin sự kiện Tổng thống Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang lần thứ 16. (TASS)

Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Putin muốn cải cách hệ thống chính trị trước năm 2024, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ thứ tư. Theo quy định của hiến pháp hiện tại, năm 2024, nhà lãnh đạo này phải rời Điện Kremlin. Vì vậy, giới tinh hoa chính trị Nga đang đồn đoán về các kế hoạch tương lai của vị Tổng thống 67 tuổi này. Ông Putin đã nắm vị trí lãnh đạo nước Nga hơn 20 năm, ở vai trò Tổng thống và Thủ tướng, lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga hay Liên Xô nào khác kể từ thời Josef Stalin. Có những đồn đoán rằng, ông Putin có thể chuyển sang giữ ghế Thủ tướng khi hiến pháp gia tăng quyền lực cho Quốc hội và giảm quyền của Tổng thống.  

Việc Tổng thống Putin phát biểu thông điệp liên bang hằng năm diễn ra trong lúc người dân Nga mong chờ chính phủ đưa ra chính sách xã hội tích cực; kinh tế Nga tăng trưởng ở mức thấp, bị phương Tây trừng phạt; thu nhập thực tế của người dân trong nhiều năm gần đây không tăng.

Theo đó, Tổng thống Putin khẳng định nâng cao mức thu nhập của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). “Hiện nay, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cần tạo ra các điều kiện nâng cao đáng kể trong thu nhập của các công dân. Tôi nhấn mạnh lại rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ và Ngân hàng Trung ương”, ông Putin nói.

Người đứng đầu Điện Kremlin tập trung vấn đề thúc đẩy tăng trưởng dân số ở một quốc gia có khoảng 147 triệu dân và cho rằng chính phủ cần hành động nhiều hơn để khuyến khích sinh nở, hỗ trợ các gia đình trẻ. Ông Putin nhấn mạnh, thu nhập thấp là thách thức chính đối với việc tăng dân số, đồng thời cho rằng bẫy nhân khẩu học của thập niên 90 hóa ra còn tồi tệ hơn trong những năm chiến tranh.

Những giải pháp được ông đặt ra bao gồm: Đến năm 2024, tỷ lệ sinh ở Nga sẽ đạt 1,7% thay vì 1,5% như hiện nay; các vấn đề thủ tục cần được đơn giản hóa để các gia đình có trẻ em sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Ông Putin cũng đề xuất cung cấp các khoản thanh toán hằng tháng cho trẻ em từ 3-7 tuổi kể từ ngày 1-1-2020.

Chúng ta sẽ chỉ có thể xây dựng một nước Nga thịnh vượng dựa trên sự tôn trọng ý kiến công chúng. Chúng ta chắc chắn sẽ cùng nhau thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”

Tổng thống Nga Vladimir Putin


PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.