Căng thẳng Mỹ - Iran "hạ nhiệt"

.

Iran đưa ra những tín hiệu muốn giảm căng thẳng với Mỹ trong lúc hai nước ở bên bờ chiến tranh. Mỹ cũng không muốn đẩy căng thẳng gia tăng bằng việc gửi thông điệp khẩn tới Iran với thông điệp: Đừng leo thang! Tổng thống Donald Trump đang để ngỏ khả năng đối thoại.  

Người dân Iran phản ứng tức giận với chính phủ và chia buồn với gia đình các nạn nhân thảm kịch máy bay Boeing 737-800.  						             Ảnh: Reuters
Người dân Iran phản ứng tức giận với chính phủ và chia buồn với gia đình các nạn nhân thảm kịch máy bay Boeing 737-800. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang đỉnh điểm khi Washington tiến hành các cuộc không kích gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq khiến Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng. Để trả đũa, Iran tấn công hàng chục tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq nhưng không gây thương vong. Vài giờ sau đó, Iran bắn nhầm máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 chở khách của hãng hàng không quốc tế Ukraine, làm 176 người chết. Sự việc thổi bùng lên làn sóng tức giận trên khắp đất nước Iran đòi Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei từ chức.

Hãng AFP cho biết, trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đang có chuyến thăm Tehran, hai nhà lãnh đạo thống nhất rằng, giảm căng thẳng là giải pháp duy nhất đối với khủng hoảng ở khu vực. Ông Rouhani nhấn mạnh việc sẽ tham vấn thêm và hợp tác an ninh với toàn bộ khu vực. Tiếp Quốc vương Al-Thani, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng kêu gọi hợp tác khu vực nhằm giải quyết các vấn đề hiện nay. Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nhưng Qatar cũng có mối quan hệ với Iran khi hai nước có chung mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng, Tổng thống Donald Trump vẫn sẵn sàng ngồi xuống và thảo luận không điều kiện về cách thức mới đối với Iran, mặc dù Tehran kiên quyết từ chối đàm phán với Washington nếu cường quốc hàng đầu thế giới không dỡ bỏ trừng phạt. Theo báo Wall Street Journal, sau khi Mỹ không kích ở Iraq và ám sát Thiếu tướng Soleimani, chính phủ của Tổng thống Trump đã gửi điện mật tới số fax của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Iran - một trong số ít kênh liên lạc trực tiếp, bí mật giữa Washington và Tehran - với thông điệp “ngừng leo thang”, khác với những tuyên bố cứng rắn mà lãnh đạo hai nước liên tiếp đưa ra.  Báo New York Times cũng cho biết, thông điệp bí mật này nhằm cảnh báo Iran không nên có hành động báo thù mạnh mẽ đến mức khiến ông Trump cảm thấy phải tiếp tục có hành động quân sự đáp trả dữ dội hơn.

Đến nay, Mỹ và Iran chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ hành động quân sự, ngoại trừ căn cứ không quân al-Balad lớn nhất Iraq có quân đội Mỹ đồn trú, cách thủ đô Baghdad chỉ khoảng 80km về phía bắc, bị tấn công bằng 8 quả rocket vào ngày 12-1. Tổng thống Trump để ngỏ việc đối thoại với Iran bằng phát biểu: “Việc đàm phán sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào họ, nhưng phải không sở hữu vũ khí hạt nhân và không sát hại người biểu tình”. Theo trang oilprice.com, tuyên bố này có thể xoa dịu thị trường thế giới. Giá dầu mỏ sau khi tăng vọt lúc căng thẳng Mỹ - Iran lên đến đỉnh điểm thì nay giảm trở lại mức trước lúc Tướng Soleimani bị ám sát.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran tạm lắng. Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo và Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei trấn an rằng, nếu căng thẳng bùng phát thì cũng không có nguy cơ thiếu hụt dầu mỏ và Iran sẽ không đóng cửa eo biển Hormuz.  

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Trung Đông sẽ yên ắng. Ngày 13-1, tàu khu trục lớp ANZAC HMAS Toowoomba thuộc Hải quân Hoàng gia Úc rời căn cứ hải quân Stirling, phía nam thành phố Perth, để đến eo biển Hormuz tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm bảo vệ các tàu chở dầu qua khu vực. Các máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (SDF) sẽ bắt đầu nhiệm vụ ở Trung Đông vào ngày 20-1, tàu khu trục Takanami sẽ rời Nhật Bản vào ngày 2-2 để đến nơi đây, với sứ mệnh bảo đảm an toàn cho các tàu thương mại liên quan đến Tokyo. Iran vốn chỉ trích sáng kiến lập liên minh quân sự của Mỹ và Tehran cũng bị quy trách nhiệm đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh hồi năm ngoái. Vì vậy, chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra ở khu vực được gọi là “chảo lửa” này.

Châu Âu kêu gọi Iran duy trì thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13-1 cho biết, nước ông và Nga chia sẻ mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo Reuters, các nhà lãnh đạo Anh và Đức cũng kêu gọi Iran trở lại tuân thủ JCPOA. Thỏa thuận này có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ đơn phương rút lui vào năm 2018 và Iran dần hủy bỏ các cam kết.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.