Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ về đâu?

.

Lần đầu tiên chủ trì buổi thuyết pháp cầu nguyện sau 8 năm, lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cho rằng, không thể tin cậy Anh, Pháp và Đức. Ông Khamenei hàm ý nhắc đến thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015 đang có nguy cơ đổ vỡ.

Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chủ trì buổi thuyết pháp cầu nguyện ngày 17-1.  							                 Ảnh: Reuters
Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chủ trì buổi thuyết pháp cầu nguyện ngày 17-1. Ảnh: Reuters

Việc Anh, Pháp và Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) vì cho rằng Tehran không tuân thủ thỏa thuận có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước hàng ngàn người cầu nguyện ở thủ đô Tehran ngày 17-1, Đại giáo chủ Khamenei nói rằng, không thể tin tưởng các nước E3 (bao gồm Anh, Pháp và Đức) khi một mặt các nước châu Âu muốn cứu vãn JCPOA, một mặt cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. “Không thể tin tưởng những nước châu Âu này. Ngay cả các cuộc đàm phán của họ với Iran cũng đầy sự lừa dối”, ông Khamenei nói. Đại giáo chủ Khamenei vốn giữ vị trí hàng đầu ở Iran từ năm 1989 và đóng vai trò quan trọng trong tất cả các quyết định lớn của quốc gia này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi Tổng thống Donald Trump thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới. Điều đó càng cho thấy, châu Âu đang ngả dần theo quan điểm của Mỹ là tìm kiếm một thỏa thuận mới, cùng với việc tiếp tục gây sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Iran. Đó là chưa kể Mỹ còn dọa áp thuế 25% đối với ô-tô nhập khẩu của châu Âu nếu E3 không chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Song đến nay, Iran không chấp nhận việc đàm phán lại JCPOA và vẫn yêu cầu châu Âu phải bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo trước lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Mỹ. Nếu châu Âu không chịu làm gì thì Iran sẽ tiếp tục thu hẹp các cam kết trong JCPOA và tất nhiên thỏa thuận này sẽ sụp đổ.

Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, khơi mào cho những căng thẳng trong nhiều tháng qua, đỉnh điểm là vụ ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đẩy Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng mới. Tehran đáp trả bằng các cuộc tấn công nhằm vào hai căn cứ của Mỹ tại Iraq vào ngày 8-1, khiến 11 binh sĩ Mỹ ở căn cứ không quân Al Asad bị thương, phải sang Kuwait và Đức điều trị.

Ông Khamenei giờ đây kêu gọi Mỹ rút quân khỏi nước láng giềng Iraq và rộng hơn là cả khu vực Trung Đông. Nhà lãnh đạo tối cao này muốn người dân Iran đoàn kết, đồng thời cho rằng “kẻ thù” của Tehran muốn chuyển hướng sự chú ý từ vụ ám sát Tướng Soleimani sang vụ bắn nhầm máy bay Ukraine khiến 176 người chết. Ông Khamenei mô tả vụ bắn rơi máy bay là “thảm kịch”, thúc giục các bước đi để bảo đảm không lặp lại sự việc tương tự và khẳng định thảm kịch máy bay Ukraine không thể làm lu mờ vụ Mỹ ám sát Tướng Soleimani - nhân vật quyền lực số 2 ở Iran.

Các nhà quan sát cho rằng, với việc ám sát Tướng Soleimani, Mỹ đã giáng đòn mạnh mẽ vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn JCPOA. Các động thái ngoại giao liên tiếp của châu Âu để cứu vãn thỏa thuận này cũng bị xem như đổ sông đổ biển; Iran cũng sẽ khó trở lại tuân thủ thỏa thuận sau khi tăng mức làm giàu uranium vượt giới hạn cho phép. JCPOA đang trong thế mong manh hơn bao giờ hết và Iran hoàn toàn có thể rời khỏi thỏa thuận lịch sử này.

Theo hãng tin Reuters, 5 quốc gia có công dân trên máy bay Boeing 737-500 thiệt mạng (bao gồm Canada, Ukraine, Thụy Điển, Afghanistan và Anh) hiện đòi Iran chi trả bồi thường cho các gia đình nạn nhân, đồng thời cảnh báo rằng thế giới đang dõi theo câu trả lời của Tehran.

Tuy nhiên, trả lời hãng thông tấn bán chính thức ISNA ngày 17-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói rằng, tất cả các nước có liên quan không nên chính trị hóa sự việc. Ông Mousavi cũng cho hay, hầu hết các nạn nhân đã được nhận dạng.


PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.