Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại các ổ dịch lớn trên thế giới vẫn tăng mạnh, giới chức y tế nhận định, đỉnh dịch sẽ xuất hiện trong 10-14 ngày tới.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 30-3, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 720.217 trường hợp, trong đó 33.903 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 150.918 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 720.217 trường hợp. Ảnh: Scientific American |
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 17.412 ca mắc và 237 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Ca mắc Covid-19 tại nước này lên 140.990 ca và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 2.457 người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đại dịch Covid-19 ở Mỹ dự kiến sẽ chạm đỉnh trong hai tuần tới và có khả năng rơi vào dịp Lễ Phục sinh 12-4. Theo ông Trump, tại thời điểm đó, số ca tử vong do Covid-19 sẽ cao nhất, tuy nhiên, ông cũng hy vọng mọi hoạt động sẽ dần được khôi phục từ 1/6. Theo ông Trump, Nhà Trắng sẽ kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 30-4 nhằm hạn chế tối đa số ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 từ nay cho tới khi đại dịch chạm đỉnh.
Tại Italy - “ổ dịch” châu Âu, ngày 30-3, nước này ghi nhận thêm 5.217 ca nhiễm mới và tới 756 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 97.689, trong đó có 10.779 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ và có số ca tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới.
Giới chức y tế cấp cao nhận định đại dịch Covid-19 tại Italy sẽ đạt đỉnh và đi xuống trong tối đa 10 ngày nữa. Tại các vùng tâm dịch như Lombardy, các ca tử vong và nhiễm mới được kiểm soát ở mức ổn định, không có sự tăng đột biến trong vài ngày qua, đồng thời số lượng bệnh nhân được chữa khỏi cũng bắt đầu nhiều hơn.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 80.000 sau khi nước này ghi nhận thêm 6.875 trường hợp trong ngày 30-3. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 ở châu Âu sau Italy. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 6.803 trường hợp.
Nhằm cứu hệ thống y tế không sụp đổ, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 29-3 đã chính thức ban hành lệnh “đóng băng” nền kinh tế Tây Ban Nha khi dừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu từ ngày 30-3 đến ngày 9-4. Người lao động Tây Ban Nha sẽ được trả lương trong thời gian này nhưng sau đó sẽ phải làm bù cho quãng thời gian được nghỉ.
Đức là nước bị ảnh hưởng lớn thứ 3 tại châu Âu do dịch Covid-19 với tổng số ca mắc lên 62.095, trong đó có 525 ca tử vong.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 30-3 là 40.174 sau khi ghi nhận thêm 2.606 ca mắc mới trong ngày.
Anh cũng thêm 2.433 ca mắc và 209 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 30-3. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 19.522 trường hợp, trong đó 1.228 ca tử vong.
Giới chức y tế Anh nhận định nước này có thể phải thực hiện một số biện pháp phong toả trong lên tới 6 tháng nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19.
Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 38.309 sau khi ghi nhận thêm 2.901 trường hợp trong ngày 30-3. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 2.640 trường hợp.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.439 trường hợp, trong đó có 3.300 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới.Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca nhập cảnh.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á có diễn biến xấu khi nhiều nước đã có hơn 1.000 ca mắc.
Số ca mắc Covid-19 tại Malaysia hiện đã lên tới gần 2.500 trường hợp với 35 ca tử vong.
Tại Philippines, số ca mắc bệnh cũng lên tới 1.418 trường hợp trong đó có 71 ca tử vong.
Trong số các ca tử vong do Covid-19 tại Philippines, có tới 12 người là bác sỹ. Chủ tịch Ủy ban lập pháp của Hiệp hội Y khoa Philippines, ông Oscar Tinio cho biết, do tính chất công việc của nhân viên y tế phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên khả năng lây nhiễm từ người bệnh là rất lớn. Hiện có hơn 5% nhân viên y tế của Philippines đang được cách ly theo dõi.
Theo VOV.VN