Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch và cho rằng, mọi quốc gia có thể kiểm soát dịch bệnh này. Mỹ siết chặt quy định về đi lại và nhập cảnh đối với các nước châu Âu trong bối cảnh tâm dịch đang chuyển hướng sang “lục địa già”.
Hành khách chờ làm thủ tục bay đến Chicago tại quầy của hãng United Airlines ở sân bay quốc tế Brussels (Bỉ) ngày 12-3, trước thời điểm lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ có hiệu lực. Ảnh: AP |
Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do một chủng virus Corona là “đại dịch” (pandemic), thay vì xem là “dịch bệnh” (epidemic), mặc dù trước đây có hai dịch bệnh cũng do virus Corona chủng khác là hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS). SARS năm 2002-2003 do một chủng virus Corona gây ra nhưng không gọi là đại dịch vì kịp thời ngăn chặn. MERS có tỷ lệ tử vong khoảng 35% nhưng lây lan không quá nhanh. Lần gần nhất WHO tuyên bố đại dịch là giai đoạn bùng phát cúm H1N1 năm 2009. Việc tuyên bố đại dịch là chuyện khá hiếm.
Cộng đồng toàn cầu cần nỗ lực gấp đôi
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11-3 (khuya cùng ngày, giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động”. Ông Tedros thúc giục cộng đồng toàn cầu nỗ lực gấp đôi để kiểm soát dịch và cho rằng tất cả các nước có thể làm thay đổi diễn biến của đại dịch này.
Khi Covid-19 xuất hiện ở bên ngoài Trung Quốc đại lục với hơn 100 trường hợp mắc bệnh và 8 trường hợp lây lan từ người sang người, ngày 30-1, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, với mức báo động cao nhất. Sau đó, các quan chức WHO nhiều lần cảnh báo nguy cơ đại dịch nhưng chưa chính thức dùng từ “đại dịch” cho Covid-19. Giờ đây, tính đến ngày 12-3, dịch xuất hiện ở khoảng 120 quốc gia/vùng lãnh thổ với khoảng 125.000 người mắc và 4.625 người tử vong.
Theo AP, đại dịch không liên quan đến bệnh nặng như thế nào, mà chỉ có nghĩa là dịch đang lan rộng. WHO định nghĩa đại dịch là sự lây lan trên toàn thế giới của một dịch bệnh mới. Ông Tedros lý giải: “Đại dịch không phải là một từ có thể sử dụng dễ dàng hay bất cẩn. Nếu lạm dụng từ này thì có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý hoặc sự chấp nhận một cách vô lý rằng cuộc chiến đã kết thúc, dẫn đến đau khổ và chết chóc không cần thiết”.
Hãng AFP cho biết, tỷ lệ tử vong của Covid-19 là 3,5%. Trong khi đó, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho rằng, mức độ nguy hiểm chết người của SARS-CoV-2 cao gấp 10 lần so với virus gây bệnh cúm mùa và có thể làm hàng triệu người mắc.
Mỹ cấm nhập cảnh từ châu Âu 30 ngày
Ngay sau tuyên bố đại dịch của WHO, Tổng thống Donald Trump thông báo cấm nhập cảnh từ châu Âu vào Mỹ trong vòng 30 ngày. Phát biểu ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Đây là nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để ứng phó với “virus nước ngoài” trong lịch sử hiện đại”. Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 13-3, không áp dụng với Anh hay với những công dân Mỹ trở về nước. Trên Twitter, ông Trump viết: “Các phương tiện truyền thông nên xem đây là lúc thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh. Thực sự, chúng ta có một kẻ thù chung, một kẻ thù của thế giới: virus Corona. Đối với tôi, không gì quan trọng hơn cuộc sống và sự an toàn của nước Mỹ”.
Hãng CNN cho rằng, việc cấm nhập cảnh với 26 nước châu Âu sẽ khiến Mỹ tổn thất hơn 3 tỷ USD, trong đó tác động mạnh đến ngành du lịch và 15,7 triệu người Mỹ làm việc ở lĩnh vực này. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Mỹ, riêng tháng 3-2019, có khoảng 850.000 du khách từ châu Âu đến cường quốc hàng đầu thế giới, chiếm 29% trong tổng số du khách quốc tế vào nước này. Các du khách đã tiêu khoảng 3,4 tỷ USD ở Mỹ. Trong vòng 1 năm, từ tháng 6-2018 đến tháng 6-2019, có khoảng 72,4 triệu du khách đáp các chuyến bay từ châu Âu vào Mỹ.
Washington cũng đưa châu Âu vào danh sách khuyến cáo “cấp độ 3” trong thang gồm 4 cấp độ. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân cân nhắc về việc đi nước ngoài. Nhiều thành phố lớn của Mỹ cấm tổ chức và hủy bỏ các sự kiện hay các cuộc họp tập trung đông người. Các doanh nghiệp lớn cho nhân viên làm việc ở nhà. Một số trường học đóng cửa và tổ chức các lớp học trực tuyến.
Hiện Covid-19 lan rộng ra 44 bang của Mỹ, với hơn 1.300 ca mắc bệnh và 38 ca tử vong.
Cuộc sống ở Hồ Bắc sắp trở lại bình thường Tỉnh Hồ Bắc, vùng tâm dịch của Trung Quốc, ngày 12-3 ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19, đều ở thành phố Vũ Hán. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở địa phương này chỉ là 1 chữ số. Bên ngoài Hồ Bắc, có thêm 7 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca là những người nhập cảnh. Cũng trong ngày 12-3, tỉnh Hồ Bắc tuyên bố nới lỏng hạn chế đi lại, cho phép một số ngành công nghiệp nối lại hoạt động sản xuất ở 2 thành phố và 2 quận. Hãng Reuters cho rằng, những tín hiệu lạc quan từ Hồ Bắc là kết quả sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong việc kiểm soát đi lại của người dân, nhất là phong tỏa Vũ Hán - thành phố có 11 triệu dân. |
PHÚC NGUYÊN