Lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với 26 quốc gia châu Âu do lo ngại Covid-19 lây lan đang vấp phải nhiều phản ứng gay gắt. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, ông Trump đã đưa ra quyết định này mà “không tham khảo ý kiến” của họ.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, đại dịch Covid-19 là “khủng hoảng toàn cầu”, “cần sự hợp tác hơn là hành động đơn phương”. Trao đổi với BBC, một đại sứ châu Âu tại Washington nói: “Chúng tôi cho rằng, nên có sự hợp tác hơn là hành động chỉ nhắm đến một châu lục”. Trong khi đó, ông Daniel Fried, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan nhận xét, lệnh cấm của ông Trump là hành động “đáng thất vọng”.
Lệnh tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ áp dụng với hành khách từ 26 nước châu Âu thuộc khối Schengen (khối các nước châu Âu ký hiệp ước Schengen về đi lại tự do) có hiệu lực từ 0 giờ ngày 13-3 (giờ Mỹ). Lệnh cấm không ảnh hưởng đến công dân Mỹ từ nước ngoài trở về, Vương quốc Anh và Ireland.
Trước đó, ngày 12-3, Tổng thống Trump cho biết, ông không báo trước lệnh cấm này với những người đồng cấp EU vì sợ “tốn thời gian”. Ông khẳng định: “Chúng tôi cần tiến hành nhanh chóng”, đồng thời cho biết lý do của lệnh cấm này là vì EU đã thất bại trong việc “áp dụng các biện pháp phòng ngừa tương tự” như Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Lệnh cấm nhập cảnh tạm thời từ châu Âu đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các sân bay Mỹ. Theo ghi nhận của USA Today, trưa 12-3, các sân bay vốn luôn nhộn nhịp như Logan (Boston), JFK (New York) và Hartsfield-Jackson (Atlanta) đều yên ắng. Những hành khách hiếm hoi ở đây hoặc đang tìm cách trở lại Mỹ từ châu Âu khi lệnh cấm chưa có hiệu lực, hoặc hủy các chuyến đi nước ngoài. Một số hành khách mang khẩu trang.
Theo CNN, Mỹ hiện có ít nhất 1.666 ca mắc Covid-19 ở 47 bang, trong đó 70 ca là công dân Mỹ từ nước ngoài trở về, và 41 người tử vong. Kentucky, Maryland, Ohio, Michigan và New Mexico là những bang đầu tiên đóng cửa tất cả trường học. Bang Washington dự kiến hành động tương tự.
Hiện 27 nước thành viên EU đều có bệnh nhân Covid-19, với tổng cộng hơn 22.000 ca bệnh và hơn 1.000 người tử vong. Trong đó, Ý là vùng tâm dịch lớn nhất với hơn 15.000 trường hợp mắc Covid-19 và 1.016 người chết. Pháp hiện có hơn 2.800 ca nhiễm và 61 người tử vong. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu đóng cửa tất cả trường học trên cả nước từ ngày 16-3 và gọi Covid-19 là “cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất” trong một thế kỷ qua.
Bồ Đào Nha cũng đóng cửa tất cả các trường học từ ngày 16-3 cho đến trước lễ Phục sinh, đồng thời đóng cửa các hộp đêm và hạn chế khách thăm các nhà dưỡng lão. Latvia ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 13-3 đến 14-4. Bỉ đóng cửa các trường học từ ngày 13-3 đến 3-4 và hủy bỏ mọi hoạt động giải trí.
KHANG NINH