Khi nào cuộc sống trở lại bình thường?

.

Các chính trị gia cũng như quan chức y tế châu Âu cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể sớm đạt đỉnh điểm ở “lục địa già” và các biện pháp phong tỏa đang mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan. Câu hỏi khi nào cuộc sống trở lại bình thường là mối quan tâm nhất hiện nay, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ.

Quốc kỳ Ý được treo rủ bên ngoài nhà thờ San Giuseppe ở Seriate, tỉnh Bergamo (Ý), còn binh sĩ này chờ đưa linh cữu các bệnh nhân đã tử vong đi hỏa táng. 	                                              Ảnh: AP
Quốc kỳ Ý được treo rủ bên ngoài nhà thờ San Giuseppe ở Seriate, tỉnh Bergamo (Ý), còn binh sĩ này chờ đưa linh cữu các bệnh nhân đã tử vong đi hỏa táng. Ảnh: AP

Báo HuffPost dẫn lời các quan chức nhận định, có thể duy trì các biện pháp hạn chế trong vài tuần hoặc vài tháng để kiểm soát virus. Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Pierpaolo Sileri phát biểu với BBC: “Việc phong tỏa bắt đầu phát huy hiệu quả. Tôi tin rằng trong 1 tuần, tối đa 10 ngày, chúng ta sẽ thấy số ca nhiễm mới giảm”.

Ý: Số ca nhiễm mới thấp nhất trong 2 tuần

Là một trong những vùng tâm dịch của thế giới, Ý phong tỏa cả nước trong 3 tuần. Trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm mới vẫn rất cao, từ 5.000 - 6.000 ca/ngày. Song, ngày 30-3 (giờ địa phương), số ca nhiễm mới là 4.050, mức thấp nhất ở Ý kể từ ngày 17-3 đến nay, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này lên hơn 101.000 ca, nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Một ngày trước đó, Ý có đến 5.217 ca nhiễm mới. Với thêm 812 ca tử vong mới ghi nhận, Ý có tổng cộng hơn 11.500 ca tử vong.
Trong tuyên bố tối 30-3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói rằng, chính phủ kéo dài thời gian phong tỏa đến ít nhất ngày 12-4, thay vì kết thúc vào ngày 3-4. Song, cũng như bất kỳ nước nào khác, Ý không thể đóng cửa nền kinh tế vô thời hạn. Những công dân tuân thủ quy định cũng sẽ muốn nối lại ít nhất một phần hoạt động trong cuộc sống. Từ cắt tóc đến bất động sản, nhiều hoạt động không thể “đóng băng” thêm nữa. Tuy nhiên, khi chưa kết thúc dịch, việc nới lỏng quy định có thể dẫn đến giai đoạn 2 của dịch bệnh. 

Câu hỏi khi nào cuộc sống trở lại bình thường là mối quan tâm nhất tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ - tâm dịch hiện nay. Ông Franco Locatelli, người đứng đầu Hội đồng Y tế tối cao của Ý nói rằng, quyết định thực hiện các biện pháp hạn chế trong cuộc sống thường nhật là “hành động đau đớn” nhưng quyết định cho phép nối lại mọi hoạt động sẽ còn khó khăn hơn. Vị quan chức này khuyến cáo, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá nhanh chóng có thể khiến số ca nhiễm tăng trở lại. 
GS. Enrico Bucci về sinh học tại Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ), đang nghiên cứu về sự lây lan của SARS-CoV-2 ở Ý, nhận định không thể dự đoán chính xác thời điểm dịch bệnh kết thúc. “Tại Ý có nhiều ổ dịch và nếu không được ngăn chặn thì sẽ gia tăng ở những thời điểm khác nhau, kéo dài khủng hoảng”, GS. Bucci nói.

Các biện pháp nghiêm ngặt mang lại hiệu quả

Hãng Reuters dẫn lời GS. Andrea Crisanti về vi trùng học nổi tiếng tại Đại học Padua (Ý) cho rằng, các biện pháp ngăn chặn virus lây lan ở Ý không hiệu quả và nước này nên thay đổi chiến lược bằng cách lập các trung tâm cách ly những người có triệu chứng nhiễm bệnh với gia đình của họ. GS. Crisanti lý giải: Nhiều ca nhiễm mới cho thấy bị lây nhiễm từ các thành viên trong gia đình. Vì vậy, thay vì yêu cầu người có triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà, các nhà chức trách nên lập các trung tâm cách ly những người này với gia đình, như cách mà Trung Quốc đã thực hiện.

Đưa ra quan điểm khác với GS. Crisanti, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý Angelo Borrelli cho rằng, hàng ngàn ca nhiễm và 812 ca tử vong không có nghĩa các biện pháp của chính phủ không hiệu quả. “Nếu không có những biện pháp này, chúng ta sẽ thấy những con số tệ hơn nhiều và cơ quan y tế sẽ ở trong tình trạng kịch tính hơn”, ông Borrelli nói với báo giới. Ông Franco Locatelli, cũng cho rằng, các biện pháp hạn chế mà chính phủ đưa ra đang giúp làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2. “Chúng ta sẽ không thể đếm được những con số này nếu không áp đặt những biện pháp nghiêm ngặt như thế”, ông Locatelli trả lời báo HuffPost.

Theo ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia hy vọng dịch bệnh ở Ý và Tây Ban Nha đang lên đến đỉnh điểm để rồi sẽ giảm sau đó; đồng thời việc phong tỏa ở châu Âu bắt đầu có kết quả. Ông Ryan cảnh báo các nước cần gia tăng nỗ lực để tìm và cách ly các bệnh nhân Covid-19. Tây Ban Nha ngày 31-3 ghi nhận thêm số ca tử vong kỷ lục (849 ca), nâng tổng số người chết lên 8.189 người. Tây Ban Nha hiện có hơn 94.000 ca nhiễm.

Số ca tử vong ở Mỹ vượt mốc 3.000 người

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nguồn khác, ngày 30-3 (giờ Washington), Mỹ có thêm ít nhất 575 ca tử vong, khiến tổng số ca tử vong ở cường quốc này vượt mốc 3.000 người. Đây là số ca tử vong mới nhiều nhất trong một ngày ở Mỹ kể từ khi Covid-19 xuất hiện nơi đây. Tính đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 164.000 ca nhiễm tại tất cả 50 bang, cao hơn Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc đại lục…

Tổng thống Donald Trump nói rằng, Mỹ đang đối mặt với “30 ngày quan trọng” phía trước và ngày càng có nhiều người thực hiện giãn cách xã hội thì đất nước càng có thể nhanh chóng trở lại bình thường. Quy định về giãn cách xã hội ở Mỹ được gia hạn thêm 30 ngày, đến ngày 30-4.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.