Bắc Kinh lo ngại bùng phát Covid-19 trong cộng đồng

.

Trung Quốc ghi nhận 36 ca nhiễm mới liên quan ổ dịch ở khu chợ đầu mối Tân Phát Địa tại thủ đô Bắc Kinh, làm dấy lên nỗi lo làn sóng thứ hai của dịch bệnh bùng phát. Bắc Kinh bước vào “giai đoạn bất thường” và sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 đối với những người bị sốt.  

Chính quyền Bắc Kinh sẽ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các siêu thị. Ảnh: THX
Chính quyền Bắc Kinh sẽ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các siêu thị. Ảnh: THX

Hãng tin AFP cho biết, ngày 14-6, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 57 ca nhiễm mới, số ca trong ngày cao nhất kể từ tháng 4 đến nay. Trong đó, có 38 ca bệnh trong cộng đồng (thủ đô Bắc Kinh có 36 trường hợp đều liên quan ổ dịch ở khu chợ đầu mối Tân Phát Địa, tỉnh Liêu Ninh có 2 trường hợp cũng liên quan các ca bệnh tại Bắc Kinh). Số ca nhập cảnh là 19 người, nhiều nhất ở tỉnh Quảng Đông với 17 người nhập cảnh.

Tình trạng báo động được đặt ra đối với Bắc Kinh khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 11-6, tức sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới. Người này đã đến chợ Tân Phát Địa và không có lịch sử đi lại ở bên ngoài thành phố trong thời gian gần đây. Các nhà chức trách cũng hoãn việc cho học sinh tiểu học trở lại trường.

Sau đó, thêm 50 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện liên quan chợ Tân Phát Địa - nơi cung cấp thực phẩm cho nhiều khu vực ở thủ đô. 11 khu dân cư ở quận Phong Đài - gần chợ này - bị phong tỏa, người dân bị cấm rời khỏi nhà. Đến sáng 14-6, giới chức đóng cửa chợ Tân Phát Địa và ghi nhận thêm 36 ca liên quan; đồng thời đóng cửa 9 trường học và nhà trẻ gần chợ; ngừng các sự kiện thể thao, các hoạt động du lịch nhóm.

Phát biểu với báo giới, Phó Giám đốc Ban Tuyên truyền của Thành ủy Bắc Kinh Xu Hejian nói rằng, thủ đô bước vào “giai đoạn bất thường”. Các nhà chức trách yêu cầu tất cả những ai làm việc tại chợ Tân Phát Địa hay sống gần đó, cũng như những ai đã đến chợ này kể từ ngày 30-5, đều phải xét nghiệm Covid-19 và được giám sát về y tế.

Hãng CNN dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban Y tế Bắc Kinh cho hay, bất kỳ ai bị sốt và muốn điều trị tại các cơ sở y tế ở Bắc Kinh phải được xét nghiệm. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ thực hiện xét nghiệm nucleic acid, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm máu và chụp CT.

Ông Wu Zunyou, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học ở Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch (CDC) Trung Quốc cho rằng, dịch bệnh bùng phát có thể liên quan hải sản hoặc thịt bị ô nhiễm. Chuyên gia này nhận định, vì Bắc Kinh không có ca nhiễm trong cộng đồng hơn 50 ngày nên về mặt lý thuyết, virus không tồn tại ở địa phương này nữa.

Covid-19 bùng phát lần đầu vào cuối năm ngoái ở khu chợ hải sản tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi bán động vật hoang dã để lấy thịt. Lần bùng phát mới nhất từ ngày 11-6 ngoài việc làm dấy lên lo ngại về làn sóng thứ hai dịch bệnh, còn đặt ra vấn đề an toàn vệ sinh đối với chuỗi cung ứng thực phẩm của Bắc Kinh. Theo AFP, SARS-CoV-2 còn bị phát hiện trên các thớt thái cá hồi được sử dụng tại chợ Tân Phát Địa để chuẩn bị món cá hồi nhập khẩu.

Cá hồi ngay lập tức bị gỡ khỏi thực đơn của các nhà hàng ở Bắc Kinh. Các chuỗi siêu thị khác, trong đó có Carrefour, ngừng bán cá hồi và những sản phẩm liên quan. Chính quyền thủ đô đã ra lệnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên khắp thành phố, tập trung vào thịt tươi, thịt đông lạnh, cá tươi, gia cầm ở các siêu thị, kho hàng và dịch vụ ăn uống.

Nhiều địa phương ở Trung Quốc khuyến cáo người dân không tới Bắc Kinh nếu không thực sự cần thiết và những người đến từ những khu vực có nguy cơ ở Bắc Kinh phải cách ly 14 ngày. Theo dự đoán của chuyên gia y tế Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không bùng phát Covid-19 quy mô lớn như Vũ Hán và 14 ngày tới là thời điểm quan trọng để kiểm soát ổ dịch Tân Phát Địa.

Tính đến nay, trên thế giới có tổng cộng hơn 7,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có ít nhất 429.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Mỹ chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất với hơn 2 triệu ca nhiễm và 115.000 ca tử vong.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.