Căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa "hạ nhiệt"

.

Tuần trước đánh dấu xung đột đẫm máu nhất trong 45 năm qua tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya. Ít nhất 20 binh sĩ, sĩ quan Ấn Độ thiệt mạng, làm dấy lên làn sóng “tổn thương và giận dữ” ở quốc gia Nam Á này đối với Trung Quốc.

Binh sĩ Ấn Độ có mặt trong đoàn xe di chuyển trên đường cao tốc Srinagar-Ladakh ở Gagangeer, đông bắc Srinagar, gần biên giới Kashmir thuộc địa phận Ấn Độ.Ảnh: AP
Binh sĩ Ấn Độ có mặt trong đoàn xe di chuyển trên đường cao tốc Srinagar-Ladakh ở Gagangeer, đông bắc Srinagar, gần biên giới Kashmir thuộc địa phận Ấn Độ.Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, vụ việc xảy ra vào đêm 15-6 tại thung lũng Galwan, khu vực Ladakh ở độ cao 4,2km so với mực nước biển, thuộc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng và 76 người khác bị thương. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố số thương vong.
Vụ đụng độ nói trên rất bất ngờ bởi Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán nghiêm túc về việc rút quân ở biên giới. Vụ việc cũng gây sốc vì số thương vong cao; hai bên xung đột nhưng không có bất kỳ tiếng súng nào, mà tấn công nhau bằng nắm đấm, đá và gậy sắt hàn đinh.

Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mối quan hệ nồng ấm hơn. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết thúc đẩy quan hệ song phương và tìm cách giải quyết những khác biệt, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ vốn phức tạp và kéo dài. Hai ông dường như có cách tiếp cận chung trong việc ổn định mối quan hệ song phương sau hội nghị thượng đỉnh Trung - Ấn ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 5-2018 và hội nghị không chính thức diễn ra 17 tháng sau đó do Thủ tướng Modi chủ trì ở thị trấn Mamallapuram, thuộc bang Tamil Nadu, đông nam Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo tạp chí The National Interest, bất chấp những nỗ lực ngoại giao cấp cao, quan hệ Trung - Ấn vẫn không ấm lên đáng kể và căng thẳng biên giới vẫn còn đó. Việc thiếu vắng các cuộc đàm phán thực sự dẫn đến không thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hoặc không có bất kỳ tiến triển nhằm phân định rõ ràng hơn Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488km, vốn được coi là biên giới giữa hai nước. Nhiều vòng đàm phán được tổ chức từ những năm 1980 đến nay vẫn chưa tạo ra sự đột phá nào.

Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ trong vụ đụng độ hôm 15-6 và nói rằng Bắc Kinh không muốn căng thẳng leo thang. Các nhà chức trách hai nước cũng nỗ lực thúc đẩy đối thoại để tránh leo thang thành xung đột quân sự. Trong khi đó, Thủ tướng Modi tuyên bố quân đội Ấn Độ được toàn quyền tiến hành mọi động thái cần thiết sau vụ giao tranh. Ông Modi nói rằng, cả nước Ấn Độ đang “tổn thương và giận dữ” vì cái chết của 20 quân nhân, nhưng khẳng định không phần lãnh thổ nào của nước này bị mất đi.

Cái chết của 20 quân nhân khiến dư luận Ấn Độ kêu gọi các động thái cứng rắn với Trung Quốc. Người tiêu dùng Ấn Độ ồ ạt đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc mặc dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của New Delhi với kim ngạch song phương hằng năm khoảng 92 tỷ USD. Chính phủ New Delhi dự kiến tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc và cấm doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tham gia các dự án hạ tầng viễn thông Ấn Độ.

Nhà phân tích chính trị Madhav Das Nalapat tại Đại học Manipal (Ấn Độ) cho rằng, cách tiếp cận của Thủ tướng Modi đối với Trung Quốc sẽ thay đổi. Theo đó, New Delhi có thể cân nhắc về việc tham gia tích cực hơn vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ấn Độ cũng có mặt trong “Bộ tứ Kim cương” cùng Mỹ, Nhật Bản, Úc và có thể có thêm sự tham gia của một số nước khác. Điều này cho thấy New Delhi nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn, thay vì cân bằng chính sách giữa đối ngoại giữa Washington và Bắc Kinh như lâu nay.

Ngày 23-6, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến 3 bên với những người đồng cấp Trung Quốc và Nga. Chưa rõ cuộc họp này sẽ mang lại kết quả như thế nào khi có sự can dự của Moscow, đó là chưa tính đến sự hiện diện của Mỹ. Hồi cuối tháng 5, khi căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn bắt đầu leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông sẵn sàng hòa giải hoặc phân xử tranh chấp giữa hai quốc gia này. Mới đây, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định lại cam kết về vai trò trung gian của Mỹ để tháo ngòi nổ ở Nam Á.  

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.