CHDCND Triều Tiên đã phá hủy Văn phòng liên lạc ở khu vực biên giới với Hàn Quốc nhằm cắt đứt hoàn toàn các đường dây liên lạc giữa hai miền.
Ngày 16-6, một vụ nổ xảy ra tại khu công nghiệp liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong (nằm ở phía Triều Tiên). Theo hãng tin AFP, những hình ảnh được phát sóng trên đài truyền hình Hàn Quốc cho thấy khói bốc lên từ khu công nghiệp này, nơi có Văn phòng liên lạc giữa hai miền.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom, biên giới hai miền, vào ngày 27-4-2018. Ảnh: AP - 0.05 MB |
Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phá hủy Văn phòng liên lạc nói trên. Động thái này có thể tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng, vốn đang rạn nứt sau hàng loạt vụ việc như: nhiều nhà hoạt động Hàn Quốc tăng cường rải truyền đơn chống Triều Tiên; Bình Nhưỡng cắt đứt kênh liên lạc với phía Seoul, thậm chí dọa sẽ đưa quân đội đến khu phi quân sự ở biên giới liên Triều… Các nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách tạo ra khủng hoảng để gia tăng áp lực lên Seoul trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho hay, Bộ Tổng tham mưu quân đội nước này tuyên bố đang xem xét kế hoạch tiến quân vào các khu vực phi quân sự theo thỏa thuận liên Triều được ký năm 2018. Song, phía Bình Nhưỡng không đề cập đó là khu phi quân sự nào. Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên còn khẳng định sẽ biến đường biên giới giữa hai miền thành “pháo đài”. Bộ này sẽ lên kế hoạch hành động trình Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Lao động Triều Tiên để triển khai các biện pháp nói trên. Theo các nhà quan sát, “khu phi quân sự” mà Triều Tiên nhắc đến có thể là thành phố Gaesung ở phía Tây và núi Geumgang - hai nơi Triều Tiên xây dựng khu công nghiệp và vận hành những dự án du lịch chung.
Hãng Yonhap cho hay, Tổng thống Moon Jae-in ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ “đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào” mà phía Triều Tiên có thể tiến hành.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Bắc Kinh hy vọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Nga cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Theo báo The Telegraph, cách đây 2 năm, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử diễn ra ở Singapore, đánh dấu việc lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đến nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ngổn ngang với các công việc trong nước, Triều Tiên đã cho nổ Văn phòng liên lạc giữa hai miền để trả đũa việc Hàn Quốc không ngăn những nhà hoạt động gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng bằng bóng bay qua biên giới. Theo đó, một lần nữa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở thành điều xa vời.
Việc phá hủy Văn phòng liên lạc chung được thành lập để hỗ trợ hoạt động trao đổi hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là sự leo thang mạnh mẽ trong chuỗi căng thẳng xảy ra liên tiếp những ngày qua. Cuối tuần trước, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là nhân vật cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên cảnh báo, Hàn Quốc sẽ chứng kiến Văn phòng liên lạc chung bị “sụp đổ hoàn toàn”.
Học giả Edward Howell, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Oxford (Anh) cho rằng, sau 2 năm kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore và nhiều hội nghị thượng đỉnh liên Triều, theo quan điểm của Bình Nhưỡng, kết quả mà nước này nhận được rất ít. Như những gì mà bà Kim Yo-jong thể hiện trong thời gian gần đây, Triều Tiên sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Hàn Quốc và Mỹ. Ông Howell phân tích: Việc phá hủy Văn phòng liên lạc cho thấy những tuyên bố của Bình Nhưỡng không phải là lời nói suông, mà nước này có thể hành động thông qua những cảnh báo quân sự.
Trong khi đó, học giả Andray Abrahamian tại Đại học George Mason ở Hàn Quốc cho rằng, thật khó xác định chiến lược và động cơ hiện tại của Triều Tiên. “Bình Nhưỡng dường như đang tạo ra một chút khủng hoảng để thúc đẩy sự đột phá”, ông Abrahamian nói.
Văn phòng liên lạc chung giữa hai miền Triều Tiên được thiết lập vào tháng 9-2018, tức vài ngày trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đáp chuyến bay đến Bình Nhưỡng để gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần 3. Văn phòng có 4 nhiệm vụ cơ bản gồm: liên lạc và trao đổi; điều phối các cuộc họp liên Triều; hỗ trợ giao lưu dân sự; tạo điều kiện đi lại cho người dân hai miền. |
PHÚC NGUYÊN