Nga cảnh báo Ba Lan về cái giá của việc trở thành "quốc gia tuyến đầu"

.

Ngày 26-6, hãng truyền thông nhà nước Tass (Nga) dẫn lời quan chức cấp cao nước này tuyên bố Ba Lan nền hiểu rõ cái giá của việc nắm giữ vị thế là “quốc gia tuyến đầu”, trong đó có vấn đề an ninh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko. Ảnh: AFP
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko. Ảnh: AFP

Dẫn bình luận về thông tin Mỹ đang lên kế hoạch tái bố trí các lực lượng từ Đức sang Ba Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko tuyên bố: “Nếu Warsaw có ý định muốn đặt nước này vào vị trí một quốc gia tuyến đầu, bằng cách thành nơi đồn đóng thường trực của các lực lượng nước ngoài, Ba Lan có lẽ nên hiểu rõ tất cả những cái giá liên quan, trong đó có sự lo ngại cho chính an ninh của nước này”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 thông báo Washington dự kiến điều chuyển một số binh sĩ đồn trú tại Đức sang Ba Lan khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzek Duda ở Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức từ 52.000 binh sĩ xuống 25.000. Ông cho biết: "Một số binh sĩ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến những nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó".

Về phần mình, Tổng thống Andrzek Duda cho rằng quyết định trên của Mỹ "rất hợp lý". Ông cũng cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Trump không rút quân Mỹ khỏi châu Âu. Ông nhấn mạnh "vì an ninh của châu Âu rất quan trọng đối với tôi". Ông cũng bày tỏ hy vọng xây dựng mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ hơn giữa hai nước.

 Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc diễn tập quân sự ở Grafenwoehr, Đức ngày 12/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc diễn tập quân sự ở Grafenwoehr, Đức ngày 12/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 20-6, Đài phát thanh Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mariusz Błaszczak cho biết Ba Lan đã chuẩn bị để binh lính Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc gia châu Âu.

Năm 2019, Tổng thống Duda và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận quốc phòng, theo đó Ba Lan đồng ý cho phép khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại nước Đông Âu này.

Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Nga lên tiếng cảnh báo về việc các lực lượng NATO triển khai gần biên giới Nga. Ngày 11-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Titov, tuyên bố Moskva sẽ đáp trả nếu Washington triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Titov nêu rõ Nga sẽ đáp trả thích đáng mọi hành động tương tự như vậy.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher phát biểu với báo giới rằng "nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì có lẽ Ba Lan sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó".

Mỹ được cho là đang có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Mục đích của việc chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO là cho phép các quốc gia thành viên phi hạt nhân của NATO tiếp tục tham gia chính sách răn đe của NATO.

Tuy nhiên, Nga luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới với Nga. Hiện, giới chức Đức cũng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức.

Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ vận chuyển bom hạt nhân tới Ba Lan sẽ là "giọt nước tràn ly" phá hủy hiệp ước hòa bình giữa Nga và NATO, ký năm 1977, văn kiện trong đó hai bên cam kết không coi nhau là đối thủ. Đài RT của Nga cảnh báo nếu Mỹ chuyển đầu đạn hạt nhân sang Ba Lan, có thể làm tái hiện cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.