EU khó thông qua quỹ phục hồi 750 tỷ euro

.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo sẽ khó tìm được tiếng nói chung để thông qua quỹ phục hồi 750 tỷ euro nhằm giúp các nước khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại lâu đài Meseberg, phía bắc thủ đô Berlin. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại lâu đài Meseberg, phía bắc thủ đô Berlin. Ảnh: AP

Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel cho biết, bà không chắc chắn việc EU có thông qua thỏa thuận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD) hay không giữa lúc các bất đồng vẫn chưa được tháo gỡ và có “những ý tưởng rất khác nhau”. “Con đường mà chúng ta phải đi vẫn còn nhiều rào cản”, bà Merkel nói.

Nữ Thủ tướng Đức - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - cho rằng quỹ phục hồi phải rất lớn và không thể cắt giảm, nhất là khi kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được dự báo sẽ chìm sâu vào suy thoái trong năm nay. “Bởi vì nhiệm vụ rất lớn nên câu trả lời cũng phải tương xứng”, bà Merkel nhấn mạnh sau khi trao đổi cùng Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại lâu đài Meseberg ở phía bắc thủ đô Berlin, hàm ý đề cập việc các thành viên EU cần phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ nhau giữa thời điểm khó khăn. Nhà lãnh đạo Đức còn nói rằng, “những chiếc cầu vẫn cần được xây dựng” giữa các nước EU xung quanh gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử của khối này.

Quỹ phục hồi nói trên do chính bà Merkel cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng. Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-7 tại Brussels (Bỉ) là lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo EU kể từ tháng 2 đến nay, cũng là cơ hội để giúp các nước nghèo hơn ở phía nam châu Âu vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, như Ý và Tây Ban Nha. Dự kiến EU sẽ dành khoảng 500 tỷ euro cho các nước bằng hình thức trợ cấp, số còn lại là cho vay. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cho rằng, nên thực hiện biện pháp giải cứu bằng cách cho vay với những điều kiện nghiêm ngặt đi kèm, thay vì hình thức trợ cấp.

Trong lúc đó, Thủ tướng Ý Conte nói rằng, một phản ứng mạnh mẽ và phối hợp từ châu Âu là rất quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19; đồng thời quỹ phục hồi châu Âu nên có “quy tắc rõ ràng” và cần có sự theo dõi, đánh giá liên tục. Ông Conte kêu gọi “hành động nhanh chóng” và cảnh báo rằng bất kỳ sự trì hoãn nào cũng sẽ làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế của châu Âu. “Có lẽ chúng ta nên xây đường cao tốc hơn xây cầu, để tiến trình đi nhanh hơn”, ông Conte nhấn mạnh.

Theo AFP, Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên bị tác động nặng nề của Covid-19. Chính phủ của Thủ tướng Conte hồi tháng 3 đã phải áp đặt lệnh phong tỏa cả nước chưa từng có. Đến nay, Ý ghi nhận hơn 243.000 ca nhiễm và 35.000 ca tử vong.

Ý cũng là nước được hưởng lợi lớn nhất từ quỹ phục hồi. Ông Conte khẳng định chính phủ Rome sẵn sàng chấp nhận các tiêu chí nghiêm ngặt về các khoản tài trợ và các khoản vay. Ông cũng cảm ơn Đức về sự hỗ trợ của Berlin trong việc điều trị cho các bệnh nhân của Ý kịp thời trong lúc các bệnh viện quá tải. “Sự giúp đỡ này diễn ra vào thời điểm khó khăn của đất nước chúng tôi. Đó thực sự là bằng chứng về tình đoàn kết”, ông Conte bày tỏ.

Còn bà Merkel cho rằng, Ý đã vượt qua những tuần khó khăn bằng tính kỷ luật và sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ. Nhà lãnh đạo Đức dẫn chứng về việc người dân Ý đã đứng ở ban-công của các tòa nhà và hát vang những ca khúc bày tỏ niềm hy vọng giữa lúc đỉnh điểm của dịch bệnh. Theo hãng AFP, điều mà bà Merkel muốn đề cập chính là sự đoàn kết sẽ giúp eurozone vượt qua giai đoạn suy thoái nghiêm trọng. Song, chưa rõ các nước sẽ hưởng ứng thông điệp đoàn kết này như thế nào khi nhóm họp ở Brussels.

Hãng Bloomberg cho hay, sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vào ngày 14-7 tại lâu đài Meseberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chủ trì hội đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhằm mở đường để hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17 và 18-7 diễn ra thuận lợi.

Trong lúc đó, tại The Hague (Hà Lan), Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thúc giục người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte ngừng phản đối kế hoạch về quỹ phục hồi do Đức và Pháp khởi xướng.

Theo Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni, khối eurozone đang ở bờ vực tan vỡ do GDP bị “co lại” tại các quốc gia như Ý, Pháp và Tây Ban Nha, với chỉ số này giảm từ 10-11%.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.