Việc Mỹ ra tuyên bố bác yêu sách Trung Quốc tại Biển Đông là bước ngoặt chính sách lớn, đặt nền móng cho hành động cứng rắn trong tương lai.
Nhóm tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông hôm 18-4. Ảnh: Reuters. |
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13-7 đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về "lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông". Đây được đánh giá là tuyên bố quan trọng, làm rõ chính sách của Mỹ tại Biển Đông, với trọng tâm là chống lại những yêu sách chủ quyền trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực.
"Chúng tôi đang củng cố chính sách của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải tại Biển Đông theo luật quốc tế, bác bỏ hành vi đe dọa, bắt nạt, cũng như những yêu sách kiểm soát hàng hải của Trung Quốc", Ngoại trưởng Pompeo đề cập tới tuyên bố trên Twitter.
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Washington sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế", tuyên bố có đoạn.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ ẩn chứa một số thông điệp quan trọng, trong đó nổi bật là sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Washington đối với vấn đề Biển Đông.
Trước đây, khi đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ thường lên án các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để đi đến thống nhất về chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, tuyên bố lần này chuyển sang hướng tiếp cận khác, đó là chủ động bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Trung Quốc.
"Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn phi pháp", tuyên bố cho hay.
Theo tuyên bố, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia. "Bất cứ hành động quấy rối nào của Trung Quốc với hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí ở những vùng biển này, hay đơn phương tiến hành các hoạt động đó, đều bất hợp pháp".
Bình luận viên Rogan đánh giá rằng khi phát ra thông điệp này, chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ đơn giản bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh, mà còn ám chỉ rằng các quốc gia khác trong khu vực có quyền lợi lớn hơn nhiều đối với những vùng biển được đề cập.
Theo Rogan, Pompeo muốn nhấn mạnh rằng những yêu sách của Bắc Kinh không chỉ đơn giản là sai trái về mặt pháp lý, mà còn vô lý khi xét trên thực tế. Điều này thể hiện qua việc Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc "không có chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn James, thực thể chỉ cách Malaysia 50 hải lý, trong khi cách bờ biển Trung Quốc tới 1.000 hải lý".
"Bãi cạn James thường được Trung Quốc tuyên truyền là 'phần lãnh thổ xa nhất về phía nam'. Nhưng luật pháp quốc tế đã nêu rõ: Một thực thể chìm dưới mực nước biển như bãi cạn James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không tạo ra các khu vực hàng hải. Bãi cạn James nằm ở độ sâu cách mặt nước khoảng 20 mét không và sẽ không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể tuyên bố bất cứ quyền hàng hải nào với nó", Pompeo viết trong tuyên bố.
WSJ cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí muốn thể hiện thái độ gay gắt hơn trong bản dự thảo tuyên bố, khi viết rằng "những yêu sách hàng hải của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với tự do trên biển trong lịch sử hiện đại", nhưng dòng này đã bị xóa trong tuyên bố cuối cùng.
Theo bình luận viên Ankit Panda của Diplomat, động lực thúc đẩy quan điểm của Mỹ dường như xuất phát từ nỗ lực chiếm tài nguyên trên Biển Đông của Trung Quốc. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra nhiều tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc có các hành vi "bắt nạt" trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ven Biển Đông.
Panda nhận xét tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho thấy lập trường của Washington về tự do hàng hải và hàng không phần lớn vẫn không thay đổi. Quan điểm trong tuyên bố về cơ bản giống với lập trường được nêu rõ trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu tổng thống Barack Obama, trong đó tự do hàng hải được xác định là lợi ích cốt lõi của Mỹ trên Biển Đông.
Một điểm đáng lưu ý khác trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là việc khẳng định Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực", thêm rằng Bắc Kinh "chưa đưa ra căn cứ pháp lý nhất quán nào cho yêu sách 'Đường chín đoạn' ở Biển Đông kể từ khi công bố nó hồi năm 2009".
Để chứng minh, Mỹ trích dẫn phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, rằng yêu sách chủ quyền "Đường chín đoạn" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Điều này cho thấy phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực dường như đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối phó Bắc Kinh của Washington. Trước đó, bản ghi chú của đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về Biển Đông cũng đưa ra khẳng định tương tự. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ càng làm rõ ảnh hưởng của phán quyết hồi tháng 7/2016 đối với chính sách của Washington.
Theo bình luận viên Rogan, việc Washington xác định cơ sở pháp lý để bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh, đồng thời cam kết "sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền", là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đang thiết lập lý lẽ và động cơ cho khả năng triển khai động thái quân sự trong tương lai.
Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi hai tàu sân bay Mỹ cùng tham gia diễn tập trên Biển Đông, trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tàu chiến, máy bay quân sự Mỹ gần đây cũng tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Điều này không đồng nghĩa với việc Trump và Pompeo đang tính đến phương án chiến tranh trên Biển Đông. Tuy nhiên, Rogan cho rằng ngôn từ trong tuyên bố, với các cụm như "phi pháp", "mối đe dọa chưa từng có", "quyền chủ quyền", "không cho phép Bắc Kinh" dường như được thiết kế để thu hút sự chú ý, quan tâm của giới ngoại giao và chính phủ các nước trên thế giới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ sau đó đăng trên website thông điệp nhằm phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, cho rằng cáo buộc từ phía Washington đối với nước này là "hoàn toàn phi lý" và chỉ trích Mỹ "can thiệp vào vấn đề Biển Đông" dù không phải là quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp.
Cơ quan này còn cho rằng Mỹ đang "phô trương sức mạnh, khuấy động căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực", nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến thực tế rằng yêu sách "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ không thi hành phán quyết này.
Rogan cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn xung đột nổ ra trên Biển Đông, nhưng lưu ý nguy cơ này đang tăng lên nhanh chóng do một loạt vấn đề căng thẳng giữa hai nước, như Covid-19, tình hình Hong Kong, chính sách thương mại, an ninh mạng. Do đó, nguy cơ nổ ra đụng độ giữa hai cường quốc trong tương lai gần không phải là không thể xảy ra.
Bình luận viên Panda cũng cho rằng tuyên bố chứa đựng những ngôn từ và thông điệp quyết liệt của Mỹ sẽ tăng thêm "ngòi nổ" căng thẳng giữa hai quốc gia. "Việc Trung Quốc phản ứng như thế nào với bước đi mới này của Mỹ sẽ rất đáng chú ý", ông nói.
Theo Vnexpress.net