Châu Âu chưa hết lo Covid-19

.

Trong lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12-7 ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ lên đến hơn 230.000 người, các nước châu Âu vẫn lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại ở “lục địa già”.

Tại khu vực công cộng ở thủ đô London (Anh), mọi người được yêu cầu phải đeo khẩu trang. 					Ảnh: AFP/Getty Images
Tại khu vực công cộng ở thủ đô London (Anh), mọi người được yêu cầu phải đeo khẩu trang. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo trang tin tức The Daily Beast, từng là tâm dịch lớn nhất thế giới, châu Âu đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19 lây lan, trong đó có việc phong tỏa và đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ tháng 3. Lệnh phong tỏa ở Ý và Tây Ban Nha đã làm phẳng đường cong của dịch bệnh. Song, khi dần mở cửa nền kinh tế, người dân châu Âu trở lại công việc và tụ tập ở những nơi công cộng, nhiều nước chứng kiến số ca nhiễm gia tăng.

Hồi tháng 5, bác sĩ Hans Kluge - Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu - cho rằng số ca nhiễm mới ở các nước như Anh, Pháp và Ý bắt đầu giảm nhưng không có nghĩa đại dịch đang dần chấm dứt. Vị chuyên gia này cảnh báo không nên vui quá sớm bởi đây là “thời gian để chuẩn bị chứ không phải để chúc mừng”.

Đúng như cảnh báo, chỉ hơn 1 tháng sau, Tây Ban Nha buộc phải tái áp đặt phong tỏa đối với hơn 70.000 người dân xung quanh thành phố La Marina, thuộc tỉnh Lugo của vùng Galicia từ ngày 5-7 đến 12-7. Thời điểm đầu tháng 7, địa phương này ghi nhận gần 200 ca nhiễm mỗi ngày. Một khu vực có hơn 200.000 dân của vùng Catalonia lúc đó cũng bị đặt trong tình trạng phong tỏa vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Trang The Daily Beast cho biết, ngày 9-7, Ý cấm nhập cảnh đối với công dân 13 nước bị cho là có nguy cơ mang SARS-CoV-2 vào quốc gia châu Âu này. Trước đó, từ ngày 1-7, Ý cho phép du khách đến từ 14 quốc gia châu Âu nhập cảnh (trừ Mỹ). Vậy nhưng, chính phủ Rome giờ đây bổ sung quy định đóng cửa không phận với các chuyến bay đến từ Armenia, Bahrain, Bangladesh, Brazil, Bosnia và Herzegovina, Chile, Kuwait, Bắc Macedonia, Moldova, Oman, Panama, Peru và Cộng hòa Dominica.

Ngày 12-7, Hungary thông báo xếp các quốc gia trên thế giới vào 3 nhóm “đỏ”, “vàng” và “xanh” theo tỷ lệ mắc Covid-19 tại mỗi nước. Danh sách này có hiệu lực từ ngày 15-7 và được xem xét lại định kỳ. Các biện pháp hạn chế để phòng dịch của Hungary bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và cách ly bắt buộc, phụ thuộc vào nơi xuất phát của hành khách trước khi đến quốc gia Trung Âu này.

Theo AFP, công dân đến từ các quốc gia nằm trong nhóm “đỏ” bao gồm: Albania, Ukraine, Belarus và hầu hết toàn bộ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Trung Mỹ, đều bị cấm nhập cảnh vào Hungary. Tất cả công dân Hungary từ các khu vực trên khi trở về nước phải cách ly 2 tuần, hoặc cách ly cho tới khi họ có hai lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Công dân Hungary và người nước ngoài tới từ các nước thuộc nhóm “vàng” như Serbia, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Romania phải cách ly hai tuần, cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần. Những người đến từ các nước thuộc nhóm “xanh” được phép nhập cảnh mà không bị hạn chế. Đến nay, Hungary có tổng cộng hơn 4.200 ca nhiễm và 595 ca tử vong.

Croatia cũng bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại các cửa hàng từ ngày 13-7 và nhân viên nhà hàng cũng phải đeo khẩu trang. Hiện nay, Croatia ghi nhận hơn 3.700 ca nhiễm và 119 ca tử vong.
Trong khi đó, Ba Lan - nơi vừa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, cử tri cũng phải đeo khẩu trang và găng tay, duy trì giãn cách xã hội và sử dụng chất khử trùng. Ba Lan có hơn 37.000 ca nhiễm và 1.500 ca tử vong.

Tại Anh, hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho hay, mỗi tuần các nhà chức trách phát hiện hơn 100 ổ dịch nhỏ lẻ tại các địa phương. Theo đó, chính quyền phải phong tỏa khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm tại nhà cho tất cả những ai sống trong khu có ổ dịch. Từng áp đặt phong tỏa cả nước, khi tỷ lệ lây nhiễm giảm, Anh dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân cần tiếp tục tuân thủ quy định về giãn cách xã hội và hành động có trách nhiệm. Tuy nhiên, người dân Anh chưa thể thở phào khi cứ mỗi ngày thì có thêm nhiều ổ dịch nhỏ.

Hãng Reuters cho biết, tại Đức - nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Y tế Jens Spahn ngày 13-7 khẳng định, chính phủ Berlin có thể ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh vào mùa thu nếu người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong dịp hè này. Ông Spahn bày tỏ lo ngại khi có nhiều người tham gia các kỳ nghỉ cuối tuần mà phớt lờ các quy định giãn cách.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.