Trung Quốc nâng cảnh báo lũ trên nhiều sông hồ lên mức cao nhất

.

Trung Quốc đã nâng cảnh báo lũ trên nhiều sông, hồ thuộc hệ thống sông Dương Tử lên mức cảnh báo cao nhất trong bối cảnh mực nước ở nhiều nơi đã dâng vượt mức cảnh báo nguy hiểm.

 Một ngôi làng ở Giang Tây ngập trong nước lũ (Ảnh: China Daily)
Một ngôi làng ở Giang Tây ngập trong nước lũ (Ảnh: China Daily)

Cơ quan tài nguyên nước tỉnh Giang Tô, đông Trung Quốc 9h sáng nay đã nâng cảnh báo lũ lên mức đỏ - mức cao nhất cho đoạn sông Dương Tử chảy qua Nam Kinh sau khi khu vực này ghi nhận mực nước cao kỷ lục.

Vào 7 giờ 50 ngày hôm nay, lượng nước ở trạm thủy văn Nam Kinh ở thủ phủ tỉnh Giang Tô đã dâng lên 10,26 mét, vượt qua mốc cao nhất từng ghi nhận 10,22 mét hồi năm 1954.

Tỉnh Giang Tô cho rằng mực nước dâng cao và tình trạng dòng chảy lớn của đoạn sông dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài sắp tới.

Trong khi đó, theo China Daily, tình hình kiểm soát lũ lụt ở dọc sông Dương Tử trở nên phức tạp. Hôm qua, tại hồ Thái Hồ, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nước đã dâng vượt quá thiết kế tối đa của hệ thống đê quanh hồ. Ngoài ra, đợt lũ lụt thứ 2 trên sông Dương Tử khiến tình hình thêm khó khăn.

Hộ đê ở huyện Bà Dương, Giang Tây (Ảnh: China Daily)
Hộ đê ở huyện Bà Dương, Giang Tây (Ảnh: China Daily)

Ngày 17-7, mực nước trung bình ở Thái Hồ đạt 4,65 mét - mức được xem là có thể gây nguy hiểm. Mực nước cao nhất từng ghi nhận ở Thái Hồ là 4,97 mét vào năm 1999.

“Mực nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng và duy trì trong một thời gian dài sắp tới. Việc kiểm soát lũ ở Thái Hồ khá phức tạp”, một thông báo cho biết.

Vào cùng ngày, Trung Quốc đã nâng mức phản ứng khẩn cấp với lũ lụt ở lưu vực Thái Hồ lên mức cao nhất trong bối cảnh mưa với cường độ lớn vẫn đang trút xuống.

Chính quyền địa phương đã kêu gọi hoạt động tuần tra, trông đê, trong khi tìm cách xả bớt lũ ở các dự án gần Thái Hồ. Hiện 14.700 người đã tham gia các hoạt động tuần tra.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc yêu cầu các hồ chứa hợp tác trong nỗ lực giải phóng áp lực từ thượng nguồn cho hồ Thái Hồ, thông qua việc xả nước lũ “một cách khoa học”.

Khoảng 23 hồ chứa ở thượng lưu và trung lưu sông Dương Tử đã được điều động để chứa nước. Tổng cộng, các hồ này có thể chứa 13 tỷ mét khối nước lũ.

Đập Tam Hiệp hôm 17-7 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Đập Tam Hiệp hôm 17-7 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hôm qua, đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử đã xuất hiện. Vào 10h sáng, nước lũ bắt đầu đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp với tốc độ 50.000 mét khối/giây.

Đợt lũ đầu tiên xuất hiện ở đập này hôm 2-7 với tốc độ dòng chảy tối đa là 53.000 mét khối/giây.

Theo cập nhật mới nhất của Tân Hoa Xã, đập Tam Hiệp ngày 18-7 đã chứng kiến trận lũ lớn nhất kể từ đầu năm nay.

Vào 8h sáng nay, tốc độ nước chảy vào đạt 61.000 mét khối/giây, trong khi tốc độ nước chảy ra đạt 33.000 mét khối/giây. Khoảng 45% nước lũ đã được giữ lại trong hồ chứa, theo công ty vận hành đập Tam Hiệp.

Ba cổng xả lũ phía dưới đập Tam Hiệp đã mở để đẩy nước lũ ra sáng nay. Dự kiến, đợt lũ này sẽ rút khi đạt đỉnh vào hôm nay, nhưng đợt lũ khác có thể sẽ đổ về vào ngày 21-7 tới.

Hôm qua, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc cùng các tỉnh khác như An Huy, Giang Tây và Chiết Giang đã ban bố cảnh báo đỏ do mưa lớn có thể nhấn chìm các con sông, hồ.

Nhiều con sông thuộc hệ thống Dương Tử đã và đang bị vỡ bờ do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua. Cuộc sống và sinh kế của nhiều người dân bị đảo lộn do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Khoảng 1,8 triệu người ở 24 tỉnh đã buộc phải di tản, hầu hết ở nam Trung Quốc. Lũ lụt gây thiệt hại khoảng 49 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD).

Theo dantri.com.vn

;
;
.
.
.
.
.