THỎA THUẬN ISRAEL - UAE

Vùng Vịnh không dễ lặng sóng

.

Động thái của Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc hai nước bình thường hóa quan hệ được các đồng minh hoan nghênh nhưng bị các đối thủ chỉ trích. Vùng Vịnh sẽ không dễ lặng sóng khi một số nước xem thỏa thuận này như lưỡi dao đâm sau lưng thế giới Hồi giáo.

Tòa thị chính thành phố Tel Aviv (Israel) được thắp sáng bằng ánh đèn theo màu cờ của UAE. 								             Ảnh: AP
Tòa thị chính thành phố Tel Aviv (Israel) được thắp sáng bằng ánh đèn theo màu cờ của UAE. Ảnh: AP

Mấy ngày qua, thế giới Hồi giáo không ngừng bày tỏ phản ứng về Hiệp ước Abraham, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE. Hãng AFP dẫn lời các nhà lãnh đạo Palestine gọi thỏa thuận là “sự phản bội”. Với người Palestine, đây là “cơn ác mộng” chẳng khác gì việc Israel sáp nhập Bờ Tây. Trưởng phái đoàn đại diện Palestine tại Anh Husam Zomlot nói: “Thỏa thuận này là thông điệp rằng Israel có thể có hòa bình với một nước Arab chỉ cần bằng cách trì hoãn việc cướp đoạt đất của người Palestine”. Để thống nhất bình thường hóa quan hệ với Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý tạm ngừng việc sáp nhập Bờ Tây, nhưng chính ông khẳng định chỉ trì hoãn, chứ không hủy bỏ kế hoạch này.

UAE tuyên bố thỏa thuận nói trên nhằm giải quyết mối đe dọa đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Palestine không mấy mặn mà với lời kêu gọi này, bởi việc sáp nhập Bờ Tây tuy tạm ngừng lại nhưng các nước Arab khác có thể theo gương UAE, dần dần “bắt tay” với Israel.

Theo AFP, tại 5 nước thành viên còn lại trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman, người dân hầu hết các nước không ủng hộ Hiệp ước Abraham. Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của những nước này với Israel vẫn phát triển trong những năm gần đây, nhưng việc bình thường hóa chính thức quan hệ với Nhà nước Do Thái dường như vẫn được xem là điều cấm kỵ.

Câu hỏi đặt ra là Saudi Arabia có chính sách tương tự UAE hay không. Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Saudi Arabia âm thầm hợp tác với Israel trong những năm gần đây, nhưng đối với việc bình thường hóa quan hệ, Riyadh sẽ phải tiến hành thận trọng và chờ xem phản ứng của thế giới Arab.

Tại Bahrain, nước vùng Vịnh đầu tiên hoan nghênh Hiệp ước Abraham, một số đảng đối lập ra tuyên bố chung bác bỏ “bất kỳ sự bình thường hóa nào với Nhà nước Do Thái”. Bahrain là đồng minh trung thành của Mỹ. Cũng như Israel và UAE, Bahrain xem Iran là thù địch nên đảo quốc trên Vịnh Ba Tư này là “ứng cử viên” tiếp theo sẽ thiết lập quan hệ với Israel.

Trong khi đó, Qatar không có phản ứng với tuyên bố của Israel và UAE hôm 13-8. Kể từ năm 2017, quan hệ giữa Qatar với UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập “đóng băng” bởi các nước này cáo buộc Doha ủng hộ phong trào Hồi giáo cực đoan và thông đồng với Iran. Doha bác bỏ mọi cáo buộc. Vì vậy, Doha có thể giữ im lặng và không xích lại gần Israel như UAE. Kuwait, một đồng minh khác thân thiết của Mỹ, cũng giữ im lặng đối với Hiệp ước Abraham. Còn chính phủ Oman ủng hộ thỏa thuận này mặc dù không đề cập triển vọng bình thường hóa quan hệ với Israel trong tương lai. 

Theo AFP, mọi ánh mắt lúc này cũng nhìn vào Mỹ, bởi từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã cam kết giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Ông Trump đã phái con rể của mình, Jared Kushner, soạn thảo Kế hoạch hòa bình Trung Đông (còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”).

Tuy nhiên, người Palestine không ủng hộ kế hoạch mà Mỹ dày công đưa ra bởi cho rằng Washington vẫn thiên vị Israel. Ông Aaron David Miller, từng là nhà đàm phán hòa bình Israel - Palestine, làm việc trong chính phủ của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa Mỹ, nhận định rằng Hiệp ước Abraham không thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Trump về hòa bình ở Trung Đông, mà chỉ cho thấy “có một liên minh chống Iran”. Vì vậy, vùng Vịnh sẽ không dễ dàng lặng sóng.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.