Thế giới đối mặt nhiều thách thức

.

Ngày 21-9 (giờ New York, Mỹ), Liên Hợp Quốc (LHQ) kỷ niệm 75 năm thành lập trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có đại dịch Covid-19, các xung đột khu vực, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và sự phân cực ngày càng sâu sắc.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp ngày 21-9 kêu gọi tăng cường chủ nghĩa đa phương. Ảnh: AP
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp ngày 21-9 kêu gọi tăng cường chủ nghĩa đa phương. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, phát biểu tại phiên họp cấp cao theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhìn nhận, thế giới ngày nay “có thừa các thử thách đa phương nhưng lại thiếu các giải pháp đa phương”. Covid-19 đã “bộc lộ sự dễ thương tổn của thế giới” - vốn chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung tay của các nước. “Thảm họa khí hậu đang dần xuất hiện, sự đa dạng sinh học đang sụp đổ, nghèo đói gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang, vũ khí hạt nhân vẫn trong tình trạng sẵn sàng được triển khai”, ông Gutterres nói.

Song, người đứng đầu LHQ khẳng định, một trong những thành tựu lớn nhất của tổ chức này trong hơn 7 thập niên qua là đã duy trì tình trạng không đối đầu quân sự giữa các nước lớn suốt nhiều năm - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới hiện đại. Ngoài ra, LHQ cũng đạt được nhiều thắng lợi to lớn, trong đó có các hiệp ước hòa bình, sự phi thuộc địa hóa, thiết lập các tiêu chuẩn nhân quyền, chấm dứt chế độ Apartheid (phân biệt chủng tộc) ở Nam Phi, đẩy lùi nhiều dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, phát triển luật quốc tế và các hiệp định quan trọng để bảo vệ môi trường.

Thông tin trên trang web chính thức kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ cho biết, phiên họp kỷ niệm diễn ra vào “thời điểm đứt gãy lớn của thế giới, là cộng hưởng của khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ cùng các tác động kinh tế và xã hội nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, Covid-19 làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo lịch trình, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đầu tiên trong số 182 lãnh đạo các nước thành viên có bài phát biểu tại phiên họp, nhưng thực tế người phát biểu là Phó Đại sứ phụ trách Mỹ tại LHQ Cherith Norman Chalet. Ông Trump dự kiến có bài phát biểu tại cuộc họp ngày 22-9.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, 75 năm qua, LHQ đều thể hiện sức sống mãnh liệt, là nơi gửi gắm niềm tin về cuộc sống tốt đẹp của hơn 7 tỷ người trên toàn cầu. Ông Tập Cận Bình đề nghị các quốc gia thành viên LHQ tái cam kết với chủ nghĩa đa phương và “hợp tác thúc đẩy một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định: “Không quốc gia nào có quyền thống trị các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của các nước khác hay giữ những lợi thế phát triển cho riêng mình... Chủ nghĩa đơn phương là ngõ cụt”. Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã cổ động chính cho chủ nghĩa đa phương sau khi Washington rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, LHQ đã giữ lời hứa cách đây 75 năm: “Bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi chiến tranh, khẳng định nhân quyền và bình đẳng dân tộc, thúc đẩy tiến triển xã hội hướng đến tự do lớn hơn”. Song, ông Macron cảnh báo “ngôi nhà chung của chúng ta đang có sự xáo trộn”, đồng thời khẳng định điều cần làm ngay là khai thác mọi không gian có thể cho sự hợp tác. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, LHQ chỉ có thể vận hành hiệu quả khi các thành viên đoàn kết, đồng thời kêu gọi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chung và chấm dứt những vấn đề an ninh khó khăn nhất, trong đó có các cuộc xung đột tại Libya và Syria.

Ông Guterres nhìn nhận, người dân thế giới đang nghĩ về việc biến chuyển nền kinh tế toàn cầu, đẩy nhanh quá trình tiến đến năng lượng xanh, bảo đảm y tế toàn cầu, chấm dứt sự bất bình đẳng sắc tộc... Ngoài ra, người dân thế giới cũng bày tỏ khao khát lớn về hợp tác quốc tế và đoàn kết toàn cầu, khước từ các cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các chủ nghĩa dân túy gây chia rẽ. “Chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết chưa từng có để vượt qua các tình huống khẩn cấp, đưa thế giới vận hành và thịnh vượng lần nữa”, Tổng Thư ký LHQ Guterres nói.

Theo hãng AP, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công bố kết quả khảo sát “đối thoại toàn cầu” được triển khai từ tháng 1-2020 đối với hơn 1 triệu người từ 193 quốc gia thành viên nhằm tìm hiểu suy nghĩ của mọi người về tương lai. Cụ thể, hơn 87% những người tham gia khảo sát “tin rằng sự hợp tác toàn cầu là thiết yếu để giải quyết các thử thách ngày nay”; 74% tin tưởng LHQ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.