Tổng thống Trump đề cử bà Amy C. Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ; Thượng viện bỏ phiếu giữa tháng 10

.

Ngày 26-9 (rạng sáng 27-9 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đề cử bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, người nếu được phê chuẩn sẽ đảm nhiệm vị trí do cố Thẩm phán nổi tiếng Ruth Bader Ginsburg để lại.

Bà Amy Coney Barrett được đề cử làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Roll Call
Bà Amy Coney Barrett được đề cử làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Roll Call

Chiều cùng ngày, bà Amy Coney Barret đã chấp nhận đề cử của nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo AP, Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành quá trình xem xét và bỏ phiếu về đề cử của Tổng thống Trump từ ngày 12-10 tới và quá trình phê chuẩn có thể hoàn tất vào ngày 15-10.

Theo luật định, các thẩm phán Tòa án Tối cao, một trong ba nhánh của hệ thống chính trị “tam quyền phân lập” của Mỹ do Tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và chỉ cần nhận được một đa số ủng hộ tối thiểu. Do vậy, bước tiếp theo trong qui trình bổ nhiệm là bà Bà Amy Coney Barrett cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 50 Thượng nghị sĩ.

Với việc phe Cộng hòa đang toàn quyền kiểm soát Thượng viện (giữ 53 ghế), đặc biệt sau khi Thượng nghị sĩ Mitt Romney ngày 22-9 tuyên bố ông sẽ ủng hộ việc tiến hành cuộc bỏ phiếu ngay trong năm nay, nhiều khả năng đề cử của Tổng thống Trump sẽ được thông qua. Trong trường hợp số phiếu ủng hộ-phản đối là ngang nhau (50-50), Phó Tổng thống Mike Pence sẽ là người có lá phiếu quyết định trong vai trò là Chủ tịch Thượng viện.

Bà Amy Coney Barrett, sinh ngày 28-1-1972, hiện là Thẩm phán Tòa Phúc thẩm lưu động số 7 có trụ sở ở thành phố Chicago, bang Illinois. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ trở thành nữ thẩm phán thứ ba tại Tòa án Tối cao Mỹ, bên cạnh 2 nữ thẩm phán Sonia Sotomayor và Elena Kagan do cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama đề cử.

Được đánh giá là chính khách có quan điểm bảo thủ, một khi bà Barrett được phê chuẩn, Tòa án Tối cao Mỹ cũng sẽ có số thẩm phán bảo thủ áp đảo (6 người), so với 3 thẩm phán theo quan điểm tự do.

Bà Amy Coney Barrett từng là Giáo sư luật tại Đại học danh tiếng Notre Dame ở  bang Indiana. Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao nổi tiếng Antonin Scalia. Năm 2017, bà Barrett được Tổng thống Trump bổ nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7 và cũng là một lựa chọn khi ông Trump cân nhắc cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho ông Anthony Kennedy vào năm 2018. Tuy nhiên, cuối cùng Thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang Brett Kavanaugh được lựa chọn cho vị trí trên.

Việc Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa mau chóng chọn bà Amy Coney Barrett thay thế vị trí để trống sau cái chết của nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, một biểu tượng về tự do và bình quyền tại Mỹ, cũng đang vấp phải tiếng nói chỉ trích.

Thẩm phán được đề cử của Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Fox News
Thẩm phán được đề cử của Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Fox News

Các chính khách Dân chủ cho rằng qui trình này nên do tổng thống đắc cử ngày 3-11 tới thực hiện. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden hối thúc: "Cử tri Mỹ sẽ chọn tổng thống và vị Tổng thống mới sẽ lựa chọn thẩm phán để Thượng viện xem xét".

Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa thâu tóm quyền lực khi đề cử một ứng viên vào Tòa án Tối cao trước cuộc bầu cử tổng thống. Hành động này hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược với chính lối hành xử của đảng Cộng hòa hồi năm 2016, khi từ chối ứng viên Tòa án Tối cao do Tổng thống Barack Obama đề cử với lý do chờ tới sau cuộc bầu cử năm đó.

Ngày 24-9 vừa qua, đảng Dân chủ đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về những kế hoạch và chiến lược ngăn chặn việc Tổng thống Trump bổ nhiệm thẩm phán vào Tòa án Tối cao thay cố Thẩm phán Ruth Ginsburg.

Đảng Dân chủ cũng đang xem xét các công cụ, lựa chọn giải pháp để có thể trì hoãn hoặc ngưng phê chuẩn đề cử nhân sự của ông Trump. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho biết phe Dân chủ đã khởi động việc tìm kiếm, tối ưu hóa các công cụ trong tay. Song chính ông cũng thừa nhận, “cần phải thấy rõ rằng công cụ mà chúng tôi có là rất hạn chế. Chúng tôi không có giải pháp thần kỳ”.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.