Chiều 12-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam). Chủ trì cuộc họp báo tại điểm cầu Jakarta (Indonesia) là Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) chủ trì buổi họp báo quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Mở đầu cuộc họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định AMM 53 và các hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 9 đến 12-9 theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp.
ASEAN không muốn bị kẹt trong cạnh tranh nước lớn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các nước lớn thể hiện cạnh tranh chiến lược trong bối cảnh diễn ra AMM 53, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước là một thực tế và thực tế này diễn ra ở các hội nghị, diễn đàn trên thế giới, khu vực và ở Đông Nam Á. ASEAN là diễn đàn có các cơ chế, trong đó có cơ chế về hội nghị cũng như diễn đàn an ninh khu vực; là diễn đàn để trao đổi các vấn đề chiến lược, những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực.
Dịp kỷ niệm 53 năm thành lập, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra tuyên bố về duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước trong khu vực là mong muốn xây dựng Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng; mong muốn tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đóng góp vai trò tích cực, hỗ trợ, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định của Đông Nam Á. Đó cũng chính là thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà ASEAN mong muốn xây dựng. Đương nhiên ASEAN và các nước trong khu vực không muốn bị kẹt vào cạnh tranh giữa các nước tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực. Điều đó đã được thể hiện và trao đổi tại các cuộc họp của ASEAN tại các diễn đàn đối thoại.
Trả lời câu hỏi liên quan về những vấn đề ảnh hưởng đến AMM 53 do diễn ra theo hình thực họp trực tuyến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, đại dịch Covid-19 diễn ra đã tác động đến toàn cầu cũng như khu vực, tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có các hoạt động đối thoại của ASEAN.
Nhưng với chủ đề của ASEAN năm 2020 là “Kết nối và chủ động thích ứng”, các nước ASEAN, trong đó có vai trò Chủ tịch của Việt Nam, đã chủ động thích ứng với tình hình đó, tổ chức các hội nghị theo hình thức trực tuyến. Đến thời điểm này của năm 2020, các hội nghị theo hình thức trực tuyến trong ASEAN nhiều hơn so với bình thường. Đó cũng là việc thích ứng của nước Chủ tịch ASEAN trong việc tích cực tổ chức các hội nghị để bảo đảm các hoạt động, các mục tiêu, cam kết, các công trình của ASEAN vẫn tiếp tục được thực hiện, xây dựng.
Đối với AMM 53 lần này, Việt Nam tổ chức hội nghị dù thời gian có chậm hơn so với dự định nhưng diễn ra suôn sẻ. “Dù hội nghị không có phiên chụp ảnh chung và vòng tay ASEAN đã trở thành thương hiệu kết nối rất rõ ràng tại các hội nghị nhưng việc tổ chức theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến nội dung hội nghị, tất cả các văn kiện của hội nghị lần này được soạn thảo và thống nhất cao rất nhanh chóng, có nội dung tốt và tích cực”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.
Định hướng các biện pháp ứng phó với Covid-19
Liên quan đến Khung tổng thể phục hồi toàn diện đã được thông qua tại Cuộc họp điều phối ASEAN lần thứ 27 ngày 9-9 vừa qua và Nhóm công tác điều phối của ASEAN về các tình huống khẩn cấp y tế đang điều phối trong xây dựng những khung này, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho hay, khung tổng thể này sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao 37 để các nhà lãnh đạo xem xét, thông qua vào tháng 11 tới.
Khung tổng thể sẽ đưa ra một số tiêu chí để định hướng cho các biện pháp ứng phó toàn khu vực của Cộng đồng ASEAN chống lại Covid-19 trên cả ba trụ cột và sẽ chú trọng quan tâm tới những nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ bị tổn thương nhất. “Chúng ta đều hiểu tác động của Covid-19 sẽ rất sâu sắc và lâu dài. Do vậy, Khung tổng thể sẽ đưa khu vực của chúng ta trải qua 3 giai đoạn phục hồi.
Trong đó, giai đoạn thứ nhất tập trung vào mở cửa lại với những biện pháp ngắn hạn và trung hạn, trong đó có Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác và kết nối chuỗi cung ứng và hành lang đi lại thông thoáng của ASEAN. Điều này giúp tạo thuận lợi cho việc đi lại thiết yếu trong khu vực trong giai đoạn mở lại để sao cho những hoạt động kinh tế thiết yếu khác tiếp tục không bị gián đoạn, trong khi vẫn bảo đảm những quy trình, quy chuẩn về y tế cộng đồng...”, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nói.
“Phục hồi sẽ không thể chỉ dựa vào một ngành, lĩnh vực, quốc gia hay khu vực. Chúng tôi sẽ tham vấn với các bên liên quan, doanh nghiệp, y tế, du lịch, vận tải, nông nghiệp và các lĩnh vực khác bởi họ chính là đầu tàu cho phục hồi kinh tế. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác bên ngoài cùng phối hợp phục hồi để đóng góp cho những nỗ lực toàn cầu chống lại Covid-19”, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết thêm.
Tôn trọng luật pháp quốc tế Chiều 12-9, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến lợi ích của các nước ngoài khu vực cũng như trong khu vực tại Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại bất kỳ hội nghị nào của ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng được nêu rõ. Tinh thần là kêu gọi xây dựng, đóng góp vào xây dựng Biển Đông là một khu vực biển hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở trên biển cũng như trên bầu trời và luôn luôn kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến vào ngày 12-9, các Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng, trên Biển Đông có rất nhiều vụ việc đang diễn ra rất nghiêm trọng, có thể tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực. Các bộ trưởng tiếp tục kêu gọi các bên hết sức tự kiềm chế, giải quyết tất cả bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Các bộ trưởng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), cùng nhau cam kết hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. |
B.T
(Tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)