Thế giới có gần 40 triệu ca mắc Covid-19

.

Theo trang web thống kê worldometers, tính đến sáng 18-10, thế giới có gần 40 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 1,1 triệu ca tử vong.

Các thành phố ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha thắt chặt quy định kiểm soát dịch.  Trong ảnh: Người dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố Manchester (Anh). Ảnh: AFP/Getty Images
Các thành phố ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha thắt chặt quy định kiểm soát dịch. TRONG ẢNH: Người dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố Manchester (Anh). Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng tin CNN cho biết, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 8 triệu ca nhiễm và 224.000 ca tử vong. Riêng tuần qua, giới chức y tế Mỹ ghi nhận trung bình 54.000 ca nhiễm mỗi ngày, tăng 25% so với 2 tuần trước đó. Theo báo The Guardian, trong lúc Quốc hội Mỹ bế tắc về một gói kích cầu kinh tế mới, hai nghiên cứu cho thấy có thêm ít nhất 6 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng Covid-19.

Với việc số ca nhiễm mới không có dấu hiệu dừng lại, số người thất nghiệp và rơi vào nghèo đói ở cường quốc này sẽ còn tăng. Ngay cả các bang dường như đã kiểm soát được dịch bệnh trong những tháng gần đây như Florida, New York, New Jersey, Arizona và một số bang khác cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Các chuyên gia cảnh báo, nước Mỹ có thể chứng kiến số ca nhiễm cao tương tự như châu Âu hiện nay trong khoảng 2-3 tuần tới.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 7,4 triệu ca nhiễm và 114.000 ca tử vong; Brazil với 5,2 triệu ca nhiễm và 153.600 ca tử vong.

Trong lúc đó, châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai khắc nghiệt hơn khi mùa đông cận kề. Theo Reuters, số ca nhiễm mới ở châu Âu trong tuần qua trung bình mỗi ngày là 140.000 trường hợp, nhiều hơn số ca nhiễm mới của Ấn Độ, Brazil và Mỹ cộng lại. Số ca nhiễm ở Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha chiếm ½ tổng số ca nhiễm mới của châu Âu trong tuần qua.

Các nhà chức trách lý giải, số ca nhiễm gia tăng đợt này do việc thực hiện xét nghiệm nhiều hơn so với lúc xảy ra làn sóng thứ nhất. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg và Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tham dự cuộc họp với những người đồng cấp trong Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg hôm 12-10. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng cuộc họp nói trên có thể là sự kiện “siêu lây nhiễm”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các cơ sở y tế ở nhiều thành phố châu Âu có thể quá tải nếu số ca nhiễm không giảm. Các lệnh hạn chế mới cũng vừa được ban hành và áp dụng ở một số nước châu Âu nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Hãng AP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo “những tháng khó khăn đang ở phía trước”. Tuy được đánh giá thành công trong việc kiểm soát đại dịch ở làn sóng đầu tiên, nhưng Đức cũng có số ca nhiễm tăng trở lại trong những ngày gần đây.

Theo thống kê của Viện Robert Koch (Đức), nước này ghi nhận hơn 7.800 ca nhiễm mới trong đêm 17-10, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 356.000 và số ca tử vong lên 9.700.

Cũng như hầu hết các nước, Đức đang xoay xở để vừa mở cửa các trường học và doanh nghiệp, vừa duy trì giãn cách xã hội. Bà Merkel thúc giục người dân Đức tránh đi lại nếu không cần thiết và ở trong nhà. “Điều gì đã giúp chúng ta thành công trong nửa năm đầu tiên xảy ra đại dịch? Đó là chúng ta đã sát cánh cùng nhau và tuân thủ các quy định. Đây là phương thuốc hiệu quả nhất để chống lại đại dịch và cần thiết hơn bao giờ hết”, bà Merkel nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 17-10 nói rằng, một thế giới chia rẽ đã không thể vượt qua được thử thách ứng phó với Covid-19. Ông kêu gọi các chính phủ phối hợp hành động nhằm giúp hàng triệu người không lâm vào cảnh đói nghèo.

Theo Reuters, 5 nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở châu Âu bao gồm: Anh với hơn 43.400 ca, Ý: 36.400, Tây Ban Nha: 33.700, Pháp: 33.000 và Nga: 23.700.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.