Hãng CNN cho biết, chỉ trong hơn 20 ngày (từ ngày 18-10 đến 8-11), tổng số ca nhiễm trên thế giới đã tăng thêm 10 triệu ca (từ 40 triệu lên gần 50 triệu) và hiện có 1,24 triệu ca tử vong.
Mỹ vẫn chịu tác động nghiêm trọng nhất với tổng cộng gần 10 triệu ca nhiễm và 237.000 ca tử vong. Tiếp đến lần lượt là Ấn Độ với hơn 8,5 triệu ca nhiễm và 126.000 ca tử vong; Brazil với hơn 5,6 triệu ca nhiễm và 162.000 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục phức tạp với tổng cộng 11,6 triệu ca nhiễm và hơn 287.000 ca tử vong. Ngày 7-11, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất khu vực, lần lượt là hơn 60.400 ca và 828 ca. Chính phủ Anh ghi nhận thêm gần 25.000 ca nhiễm mới và 413 ca tử vong. Đức có thêm hơn 23.300 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 642.000; số ca tử vong tăng thêm 130, nâng số ca tử vong lên 11.200. Ý có thêm 37.800 ca nhiễm mới và 355 ca tử vong.
Từ ngày 9-11, Bồ Đào Nha áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong 15 ngày nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Theo đó, người dân hạn chế đi lại và làm việc tại nhà nếu có thể. Trường học, nhà hàng, cửa hàng vẫn mở cửa nhưng hạn chế thời gian phục vụ.
BÌNH YÊN