Tính tự nguyện của người dân trong đại dịch Covid-19

.

Sự tự nguyện của bản thân, trách nhiệm đối với người khác trong cộng đồng đã giúp châu Á ứng phó với đại dịch Covid-19 tốt hơn nhiều so với phương Tây.

Phụ nữ Nhật Bản đeo khẩu trang trên đường phố. Ảnh: Reuters
Phụ nữ Nhật Bản đeo khẩu trang trên đường phố. Ảnh: Reuters

Lịch sự và trách nhiệm

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso chỉ dùng một từ “mindo” để trả lời câu hỏi về cách nước ông đối phó với Covid-19 thành công hơn phương Tây. Nghĩa đen của “mindo” là tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng đây là thuật ngữ phức tạp bởi nó cũng được chỉ là trình độ văn hóa. Ông Aso cho rằng, người dân Nhật Bản đã tuân thủ các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt mặc dù chính phủ chưa bao giờ có ý định phạt tiền. Các biện pháp đó bao gồm: đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng cách ở nơi công cộng…

Các quốc gia/lãnh thổ châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) cũng kiểm soát đại dịch rất hiệu quả. Đài Loan (Trung Quốc) nửa năm nay không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Ở châu Á, tỷ lệ lây nhiễm hiện tại rất thấp nên tác động tới kinh tế và xã hội không nghiêm trọng như ở châu Âu và Mỹ. Nhiều nước ở châu Á chứng minh không cần vắc-xin vẫn có thể đối phó ổn thỏa với Covid-19. Nhà triết học người Hàn Quốc Byung-Chul Han cho rằng, châu Á đang trải qua đại dịch Covid-19 nhẹ hơn châu Âu và Mỹ vì mấu chốt nằm ở phép lịch sự và tinh thần tập thể trong cộng đồng.

Châu Âu đứng trước làn sóng thứ hai của Covid-19. Một số nước ngày 2-11 ghi nhận thêm số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, như Nga ghi nhận thêm gần 19.800 ca nhiễm mới, 389 ca tử vong; Ukraine ghi nhận thêm gần 9.600 ca nhiễm mới, 199 ca tử vong và cho rằng tình hình đang “bên bờ thảm họa”... Một số nước như Pháp, Anh thực hiện tái phong tỏa; một số nước thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhưng vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân. Rõ ràng có sự khác biệt giữa người dân châu Á và châu Âu trong việc ứng phó với Covid-19. Người phương Tây không chấp nhận dịch bệnh “phá hoại” sự tự do của họ. Trong khi đó, người châu Á chia sẻ khó khăn với chính phủ để dập dịch càng sớm càng tốt nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Rất nhiều nơi ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp hay Mỹ xảy ra các buộc biểu tình bạo lực trên đường phố vì muốn chống lại quy định hạn chế đi lại.

Phát huy tối đa sức mạnh của kỹ thuật số

Những quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản phát huy tối đa sức mạnh của kỹ thuật số để đối phó với dịch bệnh và trách nhiệm này thuộc về cảnh sát chứ không phải cơ quan y tế. App trên điện thoại thông minh về kiểm soát Covid-19 được người dân tự nguyện tải xuống rất đáng tin cậy để chính quyền có thể theo dõi địa chỉ liên lạc, các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng, hình ảnh theo kiểu ẩn danh được vô số máy ảnh giám sát cộng đồng ghi lại và phân tích để khu trú những bệnh nhân, cộng đồng nhỏ mỗi khi nhiễm virus một cách nhanh nhất có thể. Ngoài ra, việc tự nguyện tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh giúp người dân ở châu Á cảm thấy tự do hơn rất nhiều bởi chính phủ không cần phải dùng tới biện pháp kiểm soát hay cưỡng chế gây tốn kém nhân lực và thời gian.

Chẳng hạn, New Zealand là quốc gia đề cao sự tự do cá nhân, nhưng họ đã đối phó rất tốt với làn sóng thứ hai của dịch bệnh. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern say sưa nói về “đội ngũ 5 triệu người chống dịch” bởi lời kêu gọi chân thành của bà đã được người dân hưởng ứng tích cực. Nội các mới của New Zealand có những chính trị gia giàu kinh nghiệm được giao phụ trách các công tác then chốt liên quan nỗ lực phục hồi kinh tế và tiếp tục ứng phó với Covid-19. Quốc gia ở châu Đại Dương này đã vượt qua các nước phương Tây khác bởi liên kết được thái độ lịch sự ở nơi công cộng với trách nhiệm xã hội.

Đúng như lời ông Taro Aso trả lời, thái độ lịch sự, tinh thần tập thể nơi công cộng và trách nhiệm đối với người khác là yếu tố then chốt giúp cho châu Á ứng phó với Covid-19 hiệu quả. Trong khi ở châu Âu, theo ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều người dân tỏ ra mệt mỏi với những hạn chế mới trong cuộc sống hằng ngày nên các chính phủ cũng đối mặt với “tình huống khó khăn” trong việc đẩy lùi Covid-19.

ANH THƯ (theo Elpais, The Guardian)

;
;
.
.
.
.
.