Thế giới hy vọng vắc-xin ngừa Covid-19

.

Thế giới đang tràn đầy hy vọng trước thông tin hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty đối tác BioNtech (Đức) công bố những kết quả sơ bộ cho thấy vắc-xin ngừa Covid-19 của họ cho hiệu quả lên đến hơn 90%.

Pfizer và BioNTech dự kiến nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 lên cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tháng 11. 			    						           Ảnh: Reuters
Pfizer và BioNTech dự kiến nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 lên cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tháng 11. Ảnh: Reuters

Hãng CNN dẫn lời “ông lớn dược phẩm” Pfizer cho biết, các thử nghiệm vắc-xin với hơn 40.000 tình nguyện viên đã mang lại những kết quả được đánh giá như một “cột mốc trọng yếu” trong công cuộc nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19. Vắc-xin của Pfizer và BioNTech gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Pfizer và BioNTech không phát hiện các mối lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn của vắc-xin nên dự kiến nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp lên cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tháng 11.

Những kết quả đầu tiên

Theo AP, vắc-xin do Pfizer và BioNTech phát triển là một trong số hơn 40 ứng cử viên vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển trên toàn thế giới. Hiện chưa có vắc-xin nào khác công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối lạc quan như loại do hai hãng dược Mỹ, Đức phối hợp phát triển. Vì vậy, thông tin này lập tức làm khởi sắc thị trường chứng khoán Mỹ, giúp chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 3 điểm % vào thời điểm chốt phiên ngày 9-11.

Một vắc-xin khả dụng lúc này được xem là niềm hy vọng lớn nhất giúp nhân loại chặn đứng dịch bệnh đã làm hơn 51 triệu người nhiễm, trong đó hơn 1,2 triệu người đã chết. Hàng chục triệu người tại châu Âu đang sống trong các điều kiện hạn chế hoặc phải ở trong nhà trong khi hàng triệu doanh nghiệp phải “đắp chiếu” vì không thể làm ăn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.

Trong một thông cáo, Chủ tịch Công ty Pfizer, ông Albert Bourla cho biết: “Chúng tôi đang ở một bước quan trọng gần hơn nữa trong việc cung cấp cho người dân trên toàn thế giới một đột phá vô cùng cần thiết để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này”. Theo tính toán, Pfizer có thể cung cấp 50 triệu liều trên toàn cầu trong năm nay và 1,3 tỷ liều trong năm tới.

Cộng đồng  khoa học trên thế giới phản ứng khá tích cực. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cố vấn cao cấp cho Nhà Trắng về đại dịch Covid-19, mô tả những kết quả liên quan vắc-xin của Pfizer là “điều phi thường”. Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ca ngợi thông tin này như một tín hiệu “cổ vũ” nhân loại trong cuộc chiến chống Covid-19. Trước đó, ông Tedros từng cảnh báo dư luận rằng, thế giới “có thể đã mệt mỏi vì Covid-19, nhưng nó không hề mệt mỏi vì chúng ta”.

Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Theo AFP, có những ý kiến bày tỏ băn khoăn khi không thấy thông tin về độ tuổi của những người tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin được công bố. “Nếu một vắc-xin giúp giảm được tình trạng bệnh nặng và tử vong, theo đó giúp phần lớn người dân trở lại cuộc sống bình thường, nó cần phải hiệu quả cả với những thành viên lớn tuổi và cao tuổi trong xã hội”, GS. Eleanor Riley chuyên về miễn dịch học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh), chia sẻ với hãng AFP.

Vẫn còn những vấn đề chưa được giải đáp rốt ráo về vắc-xin của Pfizer và BioNTech, như thời hạn bảo vệ kéo dài bao lâu và thuốc phát huy hiệu quả cho những đối tượng nào. Chuyên gia tim mạch Eric Topol, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California (Mỹ) cũng cho rằng, mặc dù có thể trong kết quả phân tích dữ liệu chung cuối cùng của toàn bộ thử nghiệm vắc-xin sẽ không thể đạt hiệu quả bảo vệ cao hơn 90% như những kết quả sơ bộ vừa công bố, nhưng hiệu quả của nó ít nhất cũng phải đạt tới hơn 50%. Đây cũng là ngưỡng tiêu chuẩn mà Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ đặt ra với một loại vắc-xin ngừa Covid-19 nếu muốn được phê chuẩn để sử dụng trong tình huống khẩn cấp. “Tôi nghĩ đây là một thành tựu xuất sắc, ngay cả khi chưa có nhiều thông tin chi tiết”, ông Topol nói.

Dù vậy, ông Topol và một số nhà khoa học khác cũng chỉ ra những vấn đề chưa được đề cập tới trong thông cáo của Pfizer. Đó là thông tin về bản chất của các ca lây nhiễm mà vắc-xin của họ có thể giúp cơ thể chống lại. Cũng như thế, hiện giới khoa học chưa rõ vắc-xin của Pfizer và BioNTech có thể giúp ngăn ngừa lây bệnh từ những người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện triệu chứng, hoặc có biểu hiện triệu chứng ở mức từ nhẹ tới vừa hay không.

Một vắc-xin có khả năng ngăn chặn lây nhiễm bệnh có thể giúp đẩy nhanh tốc độ chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, sẽ rất khó để xác định vắc-xin của Pfizer hay của các hãng khác (cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng) có thể đạt được mục tiêu này hay không.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.