Anh bắt đầu tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19

.

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sản xuất, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Một nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng BioNTech ở Mainz (Đức). Ảnh: The Wall Street Journal
Một nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng BioNTech ở Mainz (Đức). Ảnh: The Wall Street Journal

CNN cho hay, giới chức Anh đã cấp phép sử dụng vắc-xin của Pfizer/BioNTech và những liều đầu tiên sẽ được áp dụng tiêm vào đầu tuần tới. Việc tiêm chủng dựa trên sự tự nguyện của người dân. 

Ưu tiên nhóm có nguy cơ cao nhất

Báo The Independent dẫn lời GS. Jonathan Van Tam, chuyên gia về bệnh cúm, quan chức cao cấp về y tế trong chính phủ Anh, ngày 3-12 cho biết vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech sẽ đến xứ sở sương mù “trong một vài giờ tới, chứ không phải một vài ngày”. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ hy vọng loại vắc-xin ngừa Covid-19, do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển, sẽ được phê chuẩn sử dụng trước Giáng sinh.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần tới, ưu tiên tiêm cho những người sống trong các nhà dưỡng lão, những người trên 80 tuổi và nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch. Ông Johnson nói rằng, vắc-xin sẽ giúp người dân bảo vệ tính mạng và giúp nền kinh tế phục hồi, nhưng vắc-xin không phải là điểm cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Anh là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch, với số ca tử vong cao nhất ở châu Âu. Chính phủ của ông Johnson bị chỉ trích nặng nề về việc ứng phó không thành công trước khủng hoảng. Ngày 2-12, Anh kết thúc lệnh phong tỏa cả nước đợt hai và trở lại tuân thủ các quy định giãn cách xã hội theo những cấp độ khác nhau tùy từng vùng. Song giờ đây, Anh đi trước Liên minh châu Âu (EU) và cả Mỹ về việc khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19.

Theo hãng tin Reuters, Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin đủ để tiêm cho 20 triệu người và sẽ nhận lô đầu 800.000 liều vào tuần tới. Vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech được chứng minh hiệu quả phòng bệnh tới 95% trong các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu. Loại vắc-xin này được tiêm 2 liều, cách nhau 21 ngày. Pfizer/ BioNTech dự kiến cung cấp 50 triệu liều vắc-xin cho toàn cầu trong năm 2020 và 1,3 tỷ liều trong năm 2021.

Trong khi đó, EU chỉ trích Anh cấp phép quá nhanh cho loại vắc-xin nói trên, đồng thời nhấn mạnh quy trình thẩm định, cấp phép vắc-xin của liên minh này sẽ kỹ lưỡng hơn. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) dự kiến công bố quyết định về việc cấp phép lưu hành vắc-xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 29-12 vì còn xem xét nhiều bằng chứng và nhiều cuộc kiểm tra hơn.

“Đại dịch” là từ của năm

Theo báo South China Morning Post, tính đến ngày 3-12, thế giới có tổng cộng hơn 64,5 triệu ca mắc Covid-19 và gần 1,5 triệu ca tử vong. Mỹ chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất với gần 14 triệu ca nhiễm và 274.000 ca tử vong. Từ điển Merriam-Webster và trang từ điển Dictionary.com, hai trong những từ điển trực tuyến phổ biến nhất của Mỹ, có cơ sở để cùng công bố chọn “đại dịch” (pandemic) là từ của năm - lựa chọn được cho là “hiển nhiên” sau những gì nhân loại đang trải qua. “Điều này hoàn toàn phù hợp với một năm ngoại lệ, một năm đặc biệt khó khăn, một từ ngay lập tức được mọi người chú ý”, thông báo của từ điển Merriam-Webster viết.

Ông Peter Sokolowski, biên tập viên chính của từ điển Merriam-Webster cho rằng, việc lựa chọn “pandemic” là từ của năm không gây bất ngờ với nhiều người. Số lượt tra cứu định nghĩa từ “pandemic” đã tăng vọt ngay trong ngày 11-3 khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức xác nhận Covid-19 là đại dịch. Ông Sokolowski lý giải, các sự kiện tin tức lớn thường có một từ thuộc chuyên môn kỹ thuật đi kèm. Trong trường hợp đại dịch Covid-19, “từ đại dịch không chỉ là một từ chuyên môn mà đã trở thành phổ dụng”. Đó sẽ còn là từ được sử dụng trong tương lai khi mô tả về giai đoạn này trong tương lai.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 2-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu chính phủ bắt đầu tiêm phòng hàng loạt vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối tuần tới. Theo đó, Nga đã hoặc sẽ sản xuất hơn 2 triệu liều vắc-xin mang tên Sputnik-V.

Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, Sputnik-V hiện là một trong số những loại vắc-xin tiềm năng hàng đầu sắp kết thúc thử nghiệm lâm sàng và bắt đầu sản xuất hàng loạt trong danh sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Sputnik-V đã chứng minh hiệu quả hơn 90%.

PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.