Anh - EU tiến gần thỏa thuận hậu Brexit

.

Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời EU) vào đêm Giáng sinh 24-12 (sáng 25-12, giờ Việt Nam).

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tìm cách thu hẹp bất đồng giữa London và EU. Ảnh: PA
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tìm cách thu hẹp bất đồng giữa London và EU. Ảnh: PA

Cuộc đàm phán giữa Anh và EU kéo dài xuyên đêm 23-12 và bước sang ngày 24-12 với nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Nội dung trọng tâm là tìm tiếng nói chung xung quanh một điều khoản về quyền đánh bắt cá, một trong 2 vấn đề gây cản trở chính trong đàm phán (quyền đánh bắt cá và sân chơi thương mại bình đẳng).

Anh nhượng bộ

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson sắp công bố thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU sau 4,5 năm người dân nước ông bỏ phiếu chọn rời “mái nhà chung”. Ông Johnson đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong đêm 23-12 nhằm tìm cách thu hẹp bất đồng giữa hai bên. Theo Reuters, chưa có thông tin chính thức xác nhận về thỏa thuận, nhưng ông Johnson có thể tổ chức họp báo trong ngày 24-12 (giờ Brussels), tức chỉ 7 ngày trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit, Anh sẽ rời “thị trường duy nhất” và “liên minh thuế quan” của EU. Tờ Evening Standard của Anh cho hay, khi ông Johnson phát biểu ở nhà số 10 phố Downing thì nhiều người ủng hộ Brexit cũng sẽ ca ngợi thỏa thuận là một chiến thắng để Anh giành lại quyền kiểm soát “biên  giới, tiền bạc và luật pháp”.

Thực tế, Anh đã đưa ra đề xuất nhượng bộ, cho phép các tàu của EU giữ lại 2/3 sản lượng đánh bắt được, nghĩa là cắt giảm khoảng 30% sản lượng đánh bắt tại các vùng biển Anh của các tàu châu Âu. Trước đó, Anh muốn EU phải chấp nhận mức cắt giảm 60% sản lượng. Song, dù Anh đã nhượng bộ, EU vẫn đề xuất mức cắt giảm từ 15-18% và có thể chấp nhận mức cắt giảm tối đa là 25%. Phía Anh kêu gọi EU cân nhắc lại đề xuất của xứ sở sương mù để tránh việc “chia tay” mà không có thỏa thuận.
Nếu Anh chính thức rời EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại chắc chắn sẽ gây ra cú sốc lớn cho các thị trường tài chính, làm xáo trộn giao thương biên giới và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì vậy, hai bên nỗ lực để tránh “kịch bản ác mộng”, nhất là trong lúc Vương quốc Anh nói riêng và châu Âu nói chung đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế vì tác động của đại dịch Covid-19.

Cam kết “Hoàn tất Brexit” (Get Brexit Done)

Theo báo The Telegraph của Anh, một chồng bánh pizza được giao tới trụ sở EU ở Brussels (Bỉ) trong đêm 23-12, thời điểm các nhà đàm phán đánh giá bản thỏa thuận dài khoảng 2.000 trang. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney xác nhận “có chút khó khăn vào phút cuối” đối với vấn đề đánh bắt cá, nhưng điều đó không gây ngạc nhiên. Ông kỳ vọng London và Brussels sẽ công bố thỏa thuận “vào cuối ngày hôm nay” (tức đêm 24-12, giờ Brussels). Dù vậy, thỏa thuận vẫn phải chờ sự thông qua của 27 chính phủ, Quốc hội Anh cũng như 27 thành viên EU còn lại.

Nếu đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Johnson có thể tuyên bố đã thực hiện cam kết mà ông đưa ra lúc tranh cử hồi tháng 12-2019: “Hoàn tất Brexit” (Get Brexit Done). Chính cam kết này đã giúp đảng Bảo thủ thắng lớn. Song, dù có thỏa thuận, quan hệ thương mại giữa Anh và EU vẫn đối mặt với các quy định kiểm tra hải quan và những hàng rào khác từ ngày 1-1-2021 bởi xứ sở sương mù không còn được hưởng những cơ chế tạo thuận lợi thương mại như khi còn là thành viên. Thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ giúp ngăn chặn việc áp đặt thuế quan và các loại thuế khác, giảm nguy cơ khiến cả hai tiêu tốn hàng tỷ USD giá trị thương mại cùng hàng trăm ngàn việc làm. Bởi vậy, kịch bản có thỏa thuận vẫn tốt hơn cho London và cho cả Brussels.

Hãng AP cho rằng, đảng Bảo thủ của ông Johnson chiếm đa số ghế trong Quốc hội Anh nên chắc chắn sẽ thông qua thỏa thuận. Tuy nhiên, bất kỳ sự nhượng bộ nào của người đứng đầu chính phủ cũng sẽ bị phe ủng hộ Brexit “cứng” ngay trong đảng cầm quyền chỉ trích. Nhóm Nghiên cứu châu Âu mang quan điểm hoài nghi trong đảng Bảo thủ tuyên bố sẽ xem xét kỹ bất kỳ thỏa thuận nào để “bảo vệ chủ quyền của Vương quốc Anh sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm nay”. 

Trong lúc đó, Nghị viện châu Âu cảnh báo rằng, quá muộn để phê chuẩn một thỏa thuận trước ngày 1-1-2021. Song, một thỏa thuận tạm thời có thể được đưa ra và các nhà lập pháp EU sẽ phê chuẩn trong tháng 1-2021 nhằm giúp hàng hóa không bị ùn tắc tại biên giới sau ngày 31-12.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.