Covid-19 sáng 31-12: Thế giới trên 82,9 triệu ca bệnh; 1,8 triệu ca tử vong

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 664.315 trường hợp mắc Covid-19 và 13.767 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 82,9 triệu người.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh, ngày 5/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh, ngày 5-5-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 31-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 82.990.892 ca, trong đó có 1.809.982 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 58.744.512 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 22.414.424 ca và 105.027 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 30-12, thế giới có tới 129 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại London, Anh, ngày 29/12/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại London, Anh, ngày 29-12-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong mùa Giáng Sinh và Năm mới 2021.

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Y tế Séc thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 16.239 ca mắc Covid-19.

Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia Trung Âu này. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này là 701.622 người, trong đó có 11.429 trường hợp tử vong.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Cologne, Đức, ngày 27/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Cologne, Đức, ngày 27-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đức, giới chức y tế thông báo số ca tử vong do Covid-19 tại nước này trong một ngày đã lần đầu tiên vượt 1.000 người. Cụ thể, trong 24 giờ qua, đã có 1.129 người tử vong do Covid-19 nâng tổng số ca tử vong lên 32.420 ca.

Tổng số ca nhiễm đã tăng thêm 22.459 ca lên 1.691.707 ca. Chính phủ Đức đang chuẩn bị cho kế hoạch gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, ngay sau khi lệnh phong tỏa toàn phần kết thúc vào ngày 10-1-2021.

Tại Anh, trong ngày 29-12, nước này đã có thêm 53.135 ca mắc Covid-19. Đây là lần đầu tiên Anh ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày trên 50.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia châu Âu này đã tăng lên 2.382.865 ca.

Số ca tử vong tại Anh tăng thêm 414 ca lên 71.567 ca. Nhóm Cố vấn Khoa học cho Chính phủ Anh về các tình trạng khẩn cấp khuyến cáo nhà chức trách cần áp đặt các biện pháp hạn chế ở mức cao nhất -  cấp độ 4 - trên toàn khu vực England, để phòng dịch tiếp tục lây lan.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại London, Anh ngày 29/12/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại London, Anh ngày 29-12-2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen thông báo quyết định gia hạn biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc đến ngày 17-1-2021 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng hơn so với hồi mùa Xuân.

Tại Mỹ, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã được kéo dài vô thời hạn tại phần lớn bang California, điểm nóng của dịch Covid-19 tại Mỹ. Giới chức y tế cảnh báo nhiều bệnh viện của bang sắp rơi vào tình trạng quá tải.

Tại châu Á, Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo quyết định tiếp tục cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ Ấn Độ cho đến ngày 31-1-2021. Quyết định này không có hiệu lực với các chuyến bay chở hàng quốc tế và các chuyến bay được DGCA cấp phép riêng.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này sẽ siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ Năm mới và Tết Nguyên đán, do nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng nhanh khi người dân gặp mặt, về quê sum họp gia đình và ra nước ngoài.  

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Epping, ngoại ô Melbourne, Australia, ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Epping, ngoại ô Melbourne, Australia, ngày 29-7-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Australia, nhà chức trách đã siết chặt hạn chế đi lại và tụ tập đông người ở Sydney - thành phố lớn nhất nước này, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ "siêu lây nhiễm" trong đêm Giao thừa. Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 30-12 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Liên quan đến biến thể VUI-202012/01 của virus SARS-CoV-2 mới phát hiện tại Anh, Đài Loan (Trung Quốc) và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Malta là những khu vực tiếp theo phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể mới.

Trước tình hình này, Ấn Độ và Na Uy đã lần lượt gia hạn các lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh. Về phần mình, Thái Lan thông báo tất cả những trường hợp nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc ngay cả khi họ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN

Về công tác tiêm phòng và tiến triển trong nghiên cứu vaccine, Anh đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine này.

Dự kiến vaccine này sẽ được tiêm chủng đại trà tại Anh từ ngày 4-1-2021. Giám đốc điều hành hãng dược phẩm AstraZeneca Pascal Soriot bày tỏ tin tưởng vaccine này sẽ có hiệu quả chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh tại Anh.

Trong khi đó, tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) thông báo vaccine phòng Covid-19 do một đơn vị của công ty này phát triển có hiệu quả phòng bệnh đạt 79,34% và hãng đang nộp đơn đăng ký lưu hành tại Trung Quốc.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30-12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.757 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 34.420 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc mới Covid-19 và tử vong vì dịch bệnh cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 8.002 ca Covid-19 và 241 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 735.124 ca và 21.944 ca. 

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 15 người thiệt mạng.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.870 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 587 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Chính phủ Thái Lan đã cấm tất cả các cuộc tụ tập có nguy cơ làm lây lan dịch Covid-19, ngoại trừ phạm vi gia đình và các hoạt động của chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức tại các khu vực có dịch. 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 33.429 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 342 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.509.202 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.301.309 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Trong khi đó, Lào, Campuchia và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 30-12.   

Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30-12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia bảo đảm rằng vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 được cung cấp cho tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng ở những nước giàu có. Lời kêu gọi trên được đưa ra dịp một năm sau khi các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc.

Người đứng đầu WHO cho rằng cần 4 tỷ USD để mua vaccine Covid-19 và phân phối cho các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX - một chương trình do WHO khởi xướng. Trong một thông điệp trực tuyến, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh: "Đây là thách thức mà chúng ta phải giải quyết hiệu quả trong Năm mới".

Ông cũng nhấn mạnh "vaccine mang lại hy vọng lớn để đảo ngược đà lây lan của đại dịch. Nhưng để bảo vệ thế giới, chúng ta cần phải bảo đảm rằng tất cả những người có nguy cơ (mắc bệnh) ở mọi nơi - không chỉ ở những quốc gia có đủ khả năng mua vaccine - được tiêm phòng".

Trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, một sáng kiến được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng bệnh Covid-19 cho các nước nghèo, một thỏa thuận cung cấp gần 2 tỷ liều vaccine, cao gần gấp đôi so với khả năng cung ứng của chương trình này, đã sẵn sàng với lô hàng đầu tiên dự kiến được phân phối trong quý 1-2021.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.