Đón năm 2021 với những kỳ vọng

.

Thế giới bước vào năm 2021 trong lúc nhiều nước đang triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Vì vậy, mọi người có thể bỏ lại năm 2020 ở phía sau để chào đón năm mới với kỳ vọng rằng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.

Một tình nguyện viên ở Oxford (Anh) được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Ảnh: AP
Một tình nguyện viên ở Oxford (Anh) được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Ảnh: AP

Năm 2020 thật buồn khi Covid-19 xuất hiện, tạo ra khủng hoảng chưa từng có, làm hơn 82 triệu người nhiễm bệnh và 1,79 triệu người tử vong. Ngày 11-3, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch, toàn cầu đã có hơn 121.000 ca nhiễm và ít nhất 4.370 ca tử vong. Kể từ lúc “virus lạ” xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), sau đó virus được gọi là SARS-CoV-2 và tên của bệnh được gọi là Covid-19, không ai có thể ngờ cả thế giới lại chao đảo và hiện phải học cách sống chung với dịch bệnh. Trung Quốc đại lục không còn là tâm dịch, mà Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong; tiếp đến lần lượt là Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Đức…

“Không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn”

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhận định, với Covid-19, “không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn”. Với thông điệp lạc quan hơn, vài ngày trước, ông Tedros nói rằng, Covid-19 có thể giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa trong tương lai. Ngày 29-12, người đứng đầu WHO dự đoán thế giới trong năm 2021 sẽ chứng kiến sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2, nguy cơ tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước, nên các quốc gia cần chuẩn bị để ứng phó.

Trong năm 2020, từ “đại dịch” (pandemic) có lẽ được nhắc đến nhiều nhất, sau đó là “phong tỏa” (lockdown). Hai từ điển trực tuyến của Mỹ là Merriam-Webster và Dictionary.com mới đây đã chọn “đại dịch” (pandemic) là “từ của năm”. Còn Collins Dictionary của Anh chọn “phong tỏa” (lockdown) là “từ của năm”. Nhiều nước trên thế giới vẫn đang áp dụng biện pháp phong tỏa/bán phong tỏa, đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mặc dù người dân đã chán và mệt mỏi với việc hạn chế đi lại. Đại dịch đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy, ngoài số người nhiễm và tử vong, còn có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt…

Ngày 28-12, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký thông qua kế hoạch ngân sách trị giá 4.500 tỷ peso (93,7 tỷ USD) cho năm 2021. Đây là khoản ngân sách lớn nhất được Philippines thông qua nhằm hỗ trợ phục hồi một trong những nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất châu Á và kiềm chế Covid-19. Ngày 29-12, Hàn Quốc công bố gói cứu trợ trị giá 9.300 tỷ won (8,49 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và những người thất nghiệp. Trước đó, Ấn Độ cũng công bố gói kích thích trị giá 2.650 tỷ rupee (hơn 35 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái. Nội các Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung thứ ba trị giá 21.840 tỷ yen (khoảng 210 tỷ USD) cho năm tài khóa 2020, nâng tổng chi của xứ sở hoa anh đào trong năm tài khóa này lên hơn 175.000 tỷ yen, vượt tổng dự toán 3 gói ngân sách ban đầu 102.660 tỷ yen. Tất cả những biện pháp đều nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế.

Vắc-xin mang đến những hy vọng

Những bước đột phá trong phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 được xem là “ánh sáng cuối đường hầm” mặc dù WHO khẳng định vắc-xin không phải là “phương thức nhiệm màu” giúp chặn đứng đại dịch ngay lập tức, mà còn cần phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Báo New York Times dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay, tính đến ngày 29-12, tổng cộng 11,4 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer và Moderna được phân phối trên khắp nước Mỹ. Song, chỉ 2,1 triệu người được tiêm mũi đầu tiên. Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ trích tiến độ triển khai vắc-xin của chính quyền đương nhiệm Donald Trump và hứa sẽ đẩy mạnh phân phối vắc-xin sau khi ông nhậm chức. “Với tiến độ hiện nay, phải mất nhiều năm chứ không phải nhiều tháng để tiêm phòng cho người Mỹ”, ông Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware ngày 29-12.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ngày 29-12, Mỹ ghi nhận thêm hơn 247.600 ca nhiễm và 3.700 ca tử vong, đánh dấu số ca tử vong kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Đến nay, Mỹ có ít nhất 19,5 triệu ca nhiễm và 338.500 ca tử vong. Cường quốc này cũng đã xác nhận ca nhiễm biến thể mới đầu tiên của SARS-CoV-2 tại bang Colorado.

Trong khi đó, chính phủ Anh ngày 30-12 cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. AstraZeneca đặt mục tiêu cung cấp hàng triệu liều vắc-xin trong quý 1-2021 và đây là một phần trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều vắc-xin với chính phủ Anh. Theo đó, khoảng 50 triệu người (khoảng 75% dân số Anh) có thể được tiêm ngừa.

Singapore tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân

Theo hãng Reuters, chính phủ Singapore ngày 30-12 bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho người dân. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng này. Đảo quốc sư tử dành hơn 1 tỷ đô-la Singapore (hơn 750 triệu USD) cho chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Việc tiêm vắc-xin hoàn toàn miễn phí và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2021.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.