Trong bài phát biểu sau khi tất cả đại cử tri bỏ phiếu ngày 14-12 (giờ Mỹ), ông Joe Biden nhấn mạnh, đến lúc nước Mỹ “sang trang mới để đoàn kết và để hàn gắn”.
Ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng, kêu gọi nước Mỹ đoàn kết. Ảnh: AP |
Việc cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden với 306 phiếu (so với 232 phiếu dành cho ông Donald Trump) gần như đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của vị Tổng thống đương nhiệm nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử ngày 3-11. Theo hãng tin AP, không có đại cử tri nào “bất tuân”, tức không tuân theo ý nguyện của cử tri phổ thông tại bang mà mình đại diện, vốn đã giúp ông Biden giành chiến thắng trước đó. Như vậy, theo các hãng tin, ông Biden hiện vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chính thức đắc cử tổng thống vào sáng 15-12 và chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1-2021.
“Tổng thống của tất cả người dân Mỹ”
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp tối 14-12 (sáng 15-12, giờ Việt Nam) sau khi tất cả các đại cử tri bỏ phiếu và xác nhận chiến thắng cho ông Biden với 306 phiếu, vị chính trị gia của đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Người dân đã bỏ phiếu. Niềm tin vào chính quyền vẫn giữ vững. Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử vẫn nguyên vẹn. Và giờ là lúc sang trang mới để đoàn kết và để hàn gắn”, ông Biden nói, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ”.
Ông Biden nói rằng, hơn 81 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông và bà Kamala Harris - người sẽ trở thành Phó Tổng thống, con số cao nhất trong lịch sử, nhiều hơn Tổng thống và Phó Tổng thống đương nhiệm tới 7 triệu phiếu bầu. Ông Biden gọi đây là “chiến thắng rõ ràng”.
Cũng theo AP, ông Biden khẳng định rằng, luật pháp, hiến pháp và nền dân chủ đã thắng thế. Ông gửi thông điệp đoàn kết tới người dân Mỹ, cam kết làm việc chăm chỉ để phụng sự những người đã bỏ phiếu bầu cho ông và cả những người không bầu cho ông. Ông Biden nhắc tới sự đóng góp của các quan chức bầu cử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành cũng như sức ép từ những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Kiểm soát Covid-19, xây dựng lại nền kinh tế
Khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Biden sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa thể khống chế được đại dịch Covid-19, số người nhiễm mới và tử vong vẫn không ngừng gia tăng. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ngày 14-12, giới chức Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức kỷ lục: ít nhất 254.800 ca, vượt mức trung bình 210.000 ca/ngày ở cường quốc này. Trong bài phát biểu, ông Biden cũng xác định cần kiểm soát Covid-19 để tất cả người dân Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa và hỗ trợ kinh tế ngay lập tức, sau đó là xây dựng lại nền kinh tế tốt đẹp hơn.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thông thường, việc đại cử tri bỏ phiếu hầu như chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri năm nay thu hút sự chú ý của dư luận bởi những tranh chấp pháp lý về kết quả bầu cử diễn ra từ ngày 3-11 đến nay. Ông Trump và nhóm pháp lý nhiều khả năng vẫn tiếp tục theo đuổi các thách thức, bất chấp việc Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Texas dẫn đầu trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử.
Sau khi cử tri đoàn bầu tổng thống, các bang gửi phiếu về Washington. Phiếu sẽ được kiểm tại phiên họp của Quốc hội ngày 6-1-2021. Chủ tịch Thượng viện - Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence - sẽ chính thức công bố tên người chiến thắng. Theo các nhà phân tích, phiên họp Quốc hội Mỹ vào tháng 1-2021 là cơ hội cuối cùng để ông Trump thách thức kết quả bầu cử. Song, các chuyên gia về Hiến pháp và ngay cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng cho rằng, nỗ lực này sẽ thất bại. Nguyên nhân cơ bản là đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa giữ thế đa số với tỷ lệ sít sao ở Thượng viện, nên khó có thể xảy ra tình huống hai bên sẽ bỏ phiếu bác bỏ kết quả bỏ phiếu của 1 bang nào đó.
Bà Jenna Ellis, Cố vấn cấp cao Ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, nói rằng kết quả đếm phiếu bầu đại cử tri tại Quốc hội vào ngày 6-1-2021 mới là kết quả cuối cùng. Song, con đường để ông Trump ở lại Nhà Trắng đang quá hẹp và cơ hội lội ngược dòng là rất khó.
PHÚC NGUYÊN