WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19

.

Một nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đến Trung Quốc trong tháng 1-2021 để điều tra về nguồn gốc của Covid-19.

Các nhân viên y tế của Trung Quốc làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán khi Covid-19 bùng phát mạnh ở thành phố này hồi tháng 2-2020. Ảnh: THX/Getty Images
Các nhân viên y tế của Trung Quốc làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán khi Covid-19 bùng phát mạnh ở thành phố này hồi tháng 2-2020. Ảnh: THX/Getty Images

Theo hãng tin Reuters, WHO đã công bố thông tin về việc một nhóm chuyên gia quốc tế gồm 12-15 thành viên sẽ đến thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trong tháng 1-2021 và cho biết Bắc Kinh sẽ hoan nghênh sự có mặt của các chuyên gia.

Nhiều câu hỏi về nguồn gốc SARS-CoV-2

Một năm trôi qua kể từ khi dịch bệnh do virus Corona chủng mới bùng phát từ Trung Quốc, lan ra toàn cầu, làm tổng cộng 74,6 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1,65 triệu ca tử vong, theo thống kê của trang worldometers.info, nguồn gốc và cách thức lây lan của SARS-CoV-2 vẫn là điều bí ẩn. Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ những lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng lần này Bắc Kinh cởi mở với cuộc điều tra do WHO dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo Reuters, chưa rõ các nhà điều tra của WHO có chắc chắn đến thành phố Vũ Hán - nơi có ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận - hay không, vì các cuộc thảo luận về lịch trình vẫn đang diễn ra. Hai thành viên của WHO từng đến Trung Quốc hồi tháng 7, nhưng không đến Vũ Hán.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17-12, ông Babatunde Olowokure, Giám đốc Khẩn cấp khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết, tổ chức y tế này tiếp tục liên lạc với Trung Quốc để bàn thảo về nhóm chuyên gia và những nơi mà họ sẽ đến. “Trung Quốc đang chào đón nhóm chuyên gia và chuyến công tác có thể được thực hiện vào đầu tháng 1”, ông Babatunde Olowokure nói.

Ngày 16-12, một thành viên của WHO nói với Reuters rằng, họ sẽ đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1 để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2. Song, trong cuộc họp báo vào ngày 17-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không bình luận trực tiếp về chuyến công tác của WHO, mà chỉ nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với WHO để thúc đẩy các nỗ lực truy tìm toàn cầu và đóng góp để sớm chiến thắng đại dịch”.

Mỹ đã kêu gọi mở cuộc điều tra “minh bạch” do WHO dẫn đầu và cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh. Ngày 31-12-2019, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo với WHO về 27 ca bệnh “viêm phổi” ở Vũ Hán. Ngày 1-1-2020, chính quyền đóng cửa chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi có các ca nhiễm đầu tiên.

Theo Reuters, có nhiều câu hỏi về nguồn gốc của SARS-CoV-2 nhưng chưa được giải đáp. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, chợ hải sản Hoa Nam là khởi nguồn của Covid-19, nhưng một số báo cáo cho thấy dường như SARS-CoV-2 đã xuất hiện từ nơi khác.

Vắc-xin không phải là “viên đạn bạc” để kết thúc đại dịch

Trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 17-12, TS. Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO kêu gọi thế giới cần thận trọng trong bối cảnh vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai trên toàn cầu, đồng thời cho rằng vắc-xin sẽ không ngăn được virus và không phải là “viên đạn bạc” để kết thúc đại dịch. Theo CNN, khi được hỏi khi nào thế giới có thể trở về trạng thái bình thường, ông Kasai nhấn mạnh: “Câu trả lời phụ thuộc vào tất cả chúng ta và hành động của cá nhân lúc này cũng như trong tương lai”. Ông cũng kêu gọi các chính phủ trong khu vực sử dụng thêm hàng rào kiểm soát nhằm giúp phát hiện sớm các dấu hiệu lây nhiễm trong các nhóm mà hệ thống gặp khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm.

Ông Kasai nói rằng, số lượng vắc-xin ban đầu sẽ hạn chế và nên ưu tiên tiêm cho những nhóm có nguy cơ cao. Vì vậy, mỗi người cần tuân thủ quy định phòng chống dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong lúc châu Mỹ và châu Âu đang đối mặt với những thách thức liên quan Covid-19, ông Kasai nhận định, Tây Thái Bình Dương đã ở mức “tương đối tốt” nhưng nên chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất có thể xảy ra”.

Trong lúc đó, hãng tin AP dẫn lời TS. Socorro Escalante, điều phối viên về thuốc thiết yếu và công nghệ y tế của WHO cho hay, các nước ở châu Á - Thái Bình Dương phải chờ đến giữa hoặc cuối năm 2021 mới tiếp cận được vắc-xin ngừa Covid-19.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.