Sau một năm cả thế giới chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19, việc đưa vào sử dụng các loại vắc-xin khả dụng mang lại hy vọng kinh tế thế giới có thể tìm lại động lực phát triển trong năm 2021.
Vắc-xin do hãng dược Pfizer và BioNTech nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: Reuters |
Vì vậy, trong thông điệp đón chào năm mới ngày 29-12, theo Reuters, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, năm 2021 sẽ là năm khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch, phục hồi những nền kinh tế và xã hội bị tổn thương, hàn gắn sự chia rẽ và hàn gắn hành tinh.
Vượt qua “di sản” buồn
Báo USA Today cho hay, ông Ted Adams (77 tuổi), sống tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ), đã gác lại một loạt dự định mua sắm của vợ chồng ông suốt thời gian qua vì đại dịch Covid-19. Vợ chồng ông đã “quên” những chuyến đi tới ngôi nhà nghỉ dưỡng của họ ở Palm Desert, bang California, cũng như quên việc mua sắm đồ nội thất mới cho ngôi nhà đó và một chiếc Mercedes-Benz S Class. “Nhưng việc phân phối vắc-xin Covid-19 gần đây đã mang lại cho tôi niềm tin rằng thị trường chứng khoán sẽ ổn định hơn và kinh tế sẽ trở lại bình thường trong mùa hè năm sau”, ông Adams chia sẻ với báo USA Today.
Việc triển khai tiêm vắc-xin ở Mỹ, Canada và một số nước châu Âu trong tháng 12 tạo tiền đề tích cực để nền kinh tế những nơi này (cùng với đó là nền kinh tế toàn cầu) có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trong những năm tiếp theo khi nhiều người dân được tiếp cận vắc-xin.
Nhưng ngay cả khi thế giới đã có vắc-xin ngừa Covid-19 và một số nước bắt đầu triển khai tiêm đại trà, các chuyên gia kinh tế thế giới phần lớn cho rằng, quý 1 năm 2021 vẫn sẽ là giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức với kinh tế các nước. Chẳng hạn tại Mỹ, giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với giai đoạn buồn thảm nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái 2007-2009 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021. Ước đoán của các chuyên gia kinh tế Mỹ là tới cuối năm sau, GDP của nước này có thể trở lại mức như giai đoạn trước đại dịch. Kết quả khảo sát Blue Chip Economic Indicators của Công ty Wolters Kluwe với các nhà kinh tế học dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng thường niên 4% trong năm tới, cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2000.
Kỳ vọng vào châu Á
Các nước châu Á thuộc nhóm những nước bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề trong năm 2020, nhất là những lĩnh vực du lịch, giải trí, hàng không… Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của 10 quốc gia ASEAN sẽ là -4,3% trong năm 2020, nhưng trong năm 2021 dự kiến là +5,4%.
Tại các quốc gia Đông Nam Á và các nước/vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), WB ước tính GDP trong năm 2021 sẽ tăng 8,1%. Tuy nhiên, không ai dám chắc những diễn biến thực tế có diễn ra đúng như dự đoán hay không. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang nửa sau của năm 2021, cửa khẩu biên giới giữa các nước vẫn sẽ bị phong tỏa, giao thông đi lại khó khăn và những căng thẳng trong thương mại, công nghệ, phục hồi kinh tế có thể ì ạch một thời gian nữa.
Dù vậy, khi năm 2020 đang tiến tới những ngày cuối cùng, nhiều nhà đầu tư vẫn nhìn về châu Á với những triển vọng kinh tế tốt nhất nhờ chiến lược kiểm soát đại dịch tương đối hiệu quả hơn những châu lục khác. Song, để có thể hiện thực hóa những triển vọng này, nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đang nỗ lực để xử lý hiệu quả các làn sóng dịch bệnh tái bùng phát hiện nay và đây không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Vắc-xin “tiêm” thêm hy vọng “Chúng ta có thể thực sự chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ bắt đầu từ quý 2-2021”, nhà kinh tế học của Ngân hàng Barclays, ông Jonathan Millar, nhận định. Vắc-xin “sẽ truyền đi rất nhiều niềm tin”, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC Gus Faucher đồng quan điểm với ông Jonathan Millar. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa nền kinh tế sẽ trở lại bình thường. Covid-19 đã tạo ra một “di sản” buồn với hàng trăm triệu người thất nghiệp cùng hàng triệu doanh nghiệp lao đao và sẽ phải mất nhiều năm để gượng dậy. |
TRẦN ĐẮC LUÂN