Chưa bao giờ trong lịch sử đương đại mà cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng lại diễn ra trong tình trạng đầy lo âu, căng thẳng và có nhiều điểm ngoại lệ… như lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2021.
Một là, chiến dịch an ninh chưa từng có. Sau cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội hôm 6-1, an ninh được thắt chặt tại thủ đô Washington, D.C.
Hai là, giảm thiểu quy mô, gia tăng các sự kiện trực tuyến. Thông thường, lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống diễn ra với quy mô lớn, tập hợp hàng chục vạn người khắp nước Mỹ cùng nhiều khách mời các nước đến dự. Thế nhưng, số khách mời tham dự lễ nhậm chức của ông Biden rất hạn chế. Thay vào đó, nhiều sự kiện đi kèm với buổi lễ nhậm chức được tổ chức trực tuyến.
Ba là, phá lệ nhiều sự kiện truyền thống. Tổng thống Trump không dự lễ nhậm chức của ông Biden mà rời thủ đô Washington, D.C vào sáng sớm 20-1, vài tiếng đồng hồ trước khi người kế nhiệm Biden nhậm chức. Không có bữa cơm thân mật giữa hai gia đình Trump với Biden như các đời tổng thống trước đó, cuộc gặp truyền thống giữa hai Đệ nhất phu nhân cũng không diễn ra.
Bốn là, gia tăng các quyết định và gây khó cho nhau. Ngày cuối nhiệm kỳ, ông Trump ký nhiều lệnh ân xá. Theo AFP, Tổng thống Trump đã ân xá cho 73 người, gồm cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon, đồng thời giảm án cho thêm 70 người, nhưng không có tên chính ông Trump. Ông Trump cũng thông báo quyết định mở lại biên giới đón du khách đến từ khu vực Schengen (gồm 26 quốc gia châu Âu), Vương quốc Anh, Ireland và Brazil từ ngày 26-1, nhưng hành khách phải xuất trình xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi được nhập cảnh vào Mỹ. Đồng thời, ông Trump đã yêu cầu giải mật nhiều tài liệu then chốt liên quan chiến dịch do thám của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đối với hoạt động tranh cử của ông trong năm 2016. Ngược lại, ngay trong ngày nhậm chức, ông Biden sẽ ký hàng loạt các sắc lệnh đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm.
Năm là, luận tội - câu chuyện chưa có tiền lệ của nước Mỹ. Phe Dân chủ muốn thúc đẩy phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện trước ngày 20-1. Song, Thượng viện Mỹ không họp lại trước ngày 19-1 nên phiên tòa sẽ được mở ra khi ông Trump không còn là tổng thống nữa. Ý nghĩa của phiên tòa theo đó sẽ thay đổi, chỉ trở thành một sự kiện quyết định tương lai chính trị của ông Trump trong đảng Cộng hòa mà thôi.
Sáu là, thông điệp chia tay. Theo Sky News, thay vì dự lễ nhậm chức của ông Biden, Tổng thống Trump tuyên bố trong bài phát biểu từ biệt qua video, cho rằng tất cả mọi người ở Mỹ đã bị sốc bởi cuộc bạo động tại Đồi Captiol. Ông liệt kê thành tựu trong nhiệm kỳ và tuyên bố: “Chương trình nghị sự của chúng tôi không phải là bên phải hay bên trái, cũng không phải về đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ mà là về lợi ích của quốc gia và điều đó có nghĩa là cả nước”.
Đệ nhất phu nhân Melania cũng gửi thông điệp chia tay đến toàn thể người dân Mỹ. Trong bài phát biểu chính thức dài 6 phút được đăng tải trên trang web của Nhà Trắng, bà Melania chia sẻ: “Bốn năm qua là quãng thời gian khó quên. Khi Tổng thống Donald Trump và tôi kết thúc thời gian ở Nhà Trắng, tôi nghĩ tới tất cả những người mà tôi đã luôn ghi nhớ trong tim và những câu chuyện phi thường của họ về tình yêu, lòng yêu nước và sự quyết tâm”.
Cuối cùng, sau những tranh cãi ồn ào về cuộc bầu cử, Nhà Trắng vẫn có chủ nhân mới theo đúng kế hoạch. Song, tiến trình này bộc lộ khá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những hy vọng, lo toan, quan ngại và cả những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ cho những ai quan tâm nước Mỹ…
TUYẾT MINH