Chủ đề lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1 sẽ là “Nước Mỹ thống nhất” (America United), đúng như mong muốn của ông là đoàn kết đất nước sau một giai đoạn chia rẽ sâu sắc.
Ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1. Ảnh: AFP |
Khi ngày tuyên thệ nhậm chức cận kề, Tổng thống đắc cử Joe Biden đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn. Trong đó, vấn đề nan giải nhất là ủng hộ hay không ủng hộ tiến trình luận tội Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Dù ông Joe Biden chọn “vai” nào thì cũng sẽ gặp những thách thức lớn.
Vượt qua mọi chia rẽ
Trong nhiều phát biểu gần đây, ông Biden luôn nhấn mạnh mong muốn lớn nhất của ông là vượt qua mọi chia rẽ và những đòn trả thù chính trị để đưa đất nước bước vào giai đoạn hàn gắn và đoàn kết. AP dẫn lời ông Tony Allen, Giám đốc điều hành Ủy ban nhậm chức của Tổng thống cho biết: “Lễ nhậm chức sẽ đánh dấu một chương mới đối với người dân Mỹ về sự hàn gắn, thống nhất, xích lại gần nhau của một nước Mỹ đoàn kết”.
Những thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng, căn cứ vào những tuyên bố đó, nếu ông Biden ủng hộ và theo đuổi đến cùng tiến trình luận tội ông Trump, rõ ràng ông đi ngược lại những quan điểm đã công khai từ trước đến nay. Thêm nữa, những người ủng hộ Tổng thống Trump lập luận rằng, việc cáo buộc ông kích động bạo lực là không đúng, vì trong bài phát biểu với những người ủng hộ trước khi họ xông vào tòa nhà Quốc hội, ông Trump đã yêu cầu họ tuần hành “hòa bình và yêu nước”.
Mới đây, báo Wall Street Journal (Mỹ) liệt kê lại một số ví dụ trong lịch sử nước Mỹ về cách hành xử của các tân tổng thống vì lợi ích hàn gắn đất nước khi đứng trước những lựa chọn khó khăn. Chẳng hạn, Tổng thống thứ 5 của Mỹ James Monroe (nhiệm kỳ 1817-1825), một người miền nam, đã tổ chức một chuyến công du các bang miền bắc ngay sau lễ nhậm chức nhằm hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc giữa hai miền nam - bắc của nước Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông là người chiến thắng.
Còn với ông Biden, sau biến cố 6-1 tại đồi Capitol, mặc dù lên tiếng chỉ trích ông Trump, nhưng hiện Tổng thống đắc cử vẫn chưa bày tỏ quan điểm về việc có ủng hộ tiến trình luận tội hay không.
Những kịch bản nào với ông Trump?
Những khoảnh khắc không thể quên trong biến cố người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội hôm 6-1 chắc chắn sẽ là động lực để nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và thậm chí một số thành viên đảng Cộng hòa quyết tâm trục xuất ông Trump ra khỏi Nhà Trắng trong những ngày tại nhiệm còn lại ít ỏi. Đảng Dân chủ mong muốn có thể thực hiện điều này bằng việc thông qua nghị quyết luận tội ông Trump, từ đó gây sức ép buộc ông từ chức, hoặc kích hoạt các điều khoản trong Tu chính án thứ 25 để có thể bãi nhiệm ông.
Điều này sẽ dẫn tới 2 tình huống: hoặc ông Trump sẽ được “để yên” tại nhiệm trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ; hoặc Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội ông và sau đó Thượng viện (hiện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát) xét xử ông về tội kích động bạo lực.
Không ít thành viên đảng Dân chủ cho rằng, việc chứng tỏ một tổng thống sẽ bị trừng phạt nếu ông ấy có hành vi xúi giục bạo loạn là động thái quan trọng mang tính răn đe với những kẻ có âm mưu nổi dậy sau này. Vì vậy, họ mong muốn Tổng thống đắc cử Joe Biden ủng hộ tiến trình luận tội ông Trump.
Tuy nhiên, vấn đề là mặc dù Hạ viện có thể nhanh chóng xúc tiến các thủ tục để thông qua nghị quyết luận tội, nhưng Thượng viện gần như chắc chắn sẽ chẳng vội vàng gì mở phiên xét xử Tổng thống Trump. Chưa nói đến việc các nghị sĩ Dân chủ có thể không muốn phiên xét xử này diễn ra cho tới khi họ đã giành được thế kiểm soát Thượng viện vào nửa sau tháng 1 này. Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh câu hỏi nữa: Liệu một Tổng thống đã mãn nhiệm rồi thì còn có thể bị xét xử nữa hay không?
Tất cả những điều này cho thấy những tranh cãi liên quan tới việc hành xử với ông Trump sẽ còn là vấn đề “treo” trong giai đoạn khởi đầu quan trọng của nhiệm kỳ tổng thống với ông Biden.
Theo Reuters, đảng Dân chủ tuyên bố cho ông Donald Trump “cơ hội cuối” trong ngày 12-1 (giờ Mỹ) để từ chức trước khi mãn nhiệm, nếu không sẽ đối mặt với việc bị luận tội lần thứ hai vì vụ bạo loạn ở đồi Capitol hôm 6-1. Ngày 13-1, Hạ viện sẽ bỏ phiếu nghị quyết bao gồm những cáo buộc bất tín nhiệm chính thức với ông Trump, còn được gọi là những điều khoản luận tội, trừ khi ông Trump từ chức, hoặc Phó Tổng thống Pence phế truất ông theo điều khoản theo Hiến pháp Mỹ. |
TRẦN ĐẮC LUÂN