Iran nâng mức làm giàu uranium lên 20%

.

Iran sẽ sớm làm giàu uranium lên tới 20%, đánh dấu bước mới nhất trong việc phá vỡ cam kết theo thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc hồi năm 2015.

Hãng tin AP ngày 2-1 cho biết, Iran đã gửi thư cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bày tỏ ý định nâng mức làm giàu uranium dưới 5% hiện tại lên đến mức 20% “càng sớm càng tốt”. Song, các nhà chức trách Iran chưa cho biết thời điểm nâng mức làm giàu uranium.

Toàn cảnh nhà máy hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran 270km về phía nam. Ảnh: Getty Images
Toàn cảnh nhà máy hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran 270km về phía nam. Ảnh: Getty Images

Gia tăng căng thẳng

Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia Iran ngày 2-1, ông Ali Akbar Salehi, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, khẳng định nước này sẽ không lãng phí thời gian. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này và sẽ sản xuất làm giàu 20% uranium càng sớm càng tốt”, ông Salehi nói. Nhiều khả năng các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) sẽ phản ứng với động thái của Tehran.

Theo JCPOA, Tehran đã thống nhất không làm giàu uranium trên mức 4%, đồng thời cho phép các thanh sát viên quốc tế đến giám sát các cơ sở hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Năm 2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran. Hàng loạt vụ việc xảy ra sau đó làm mối quan hệ Mỹ - Iran thêm căng thẳng, đỉnh điểm là cuộc không kích của Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3-1-2020, giết chết Tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Tuần qua, Mỹ điều các máy bay ném bom B-52 đến khu vực vịnh Persian để phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp đến Iran sau một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Chính phủ Mỹ cho rằng, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đứng sau vụ tấn công này. Hồi tháng 11-2020, báo Business Insider dẫn lời các quan chức tình báo châu Âu cảnh báo về khả năng Mỹ sẽ có hành động quân sự chống lại Iran trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Ba quan chức tình báo châu Âu đã nói với báo Business Insider rằng, khả năng ông Trump, hay sự kết hợp giữa Israel với Saudi Arabia tạo ra một cuộc đối đầu quân sự là điều đáng lo ngại.

Iran sẽ trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA?

Ông Joe Biden - người sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ - khẳng định sẽ tham gia trở lại JCPOA và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Iran tuân thủ các yêu cầu của quốc tế. Điều đáng nói là sau khi ông Mohsen Fakhrizadeh - một trong những nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran - bị ám sát vào tháng 11-2020, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật tăng cường làm giàu uranium lên mức 20% vào tháng 12-2020. Luật mới cho phép chính phủ Iran nối lại các hoạt động làm giàu uranium lên đến mức 20% nếu Mỹ và phương Tây không nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và tài chính trong vòng 2 tháng. Theo luật này, Tehran cũng sẽ không cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc tiếp cận một số cơ sở hạt nhân.

Với mức làm giàu 3-5%, uranium được dùng trong các lò phản ứng điện hạt nhân. Với mức làm giàu 90%, uranium có thể được dùng chế tạo vũ khí hạt nhân. Quá trình làm giàu từ mức 20% lên đến 90% có thể không quá khó với kỹ thuật hiện nay của Iran, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, theo AP, Iran vẫn nhấn mạnh chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình.

Tháng 11-2020, theo báo cáo của IAEA, Iran làm giàu uranium lên mức cao hơn mức cam kết 3,67%, nhưng không vượt quá ngưỡng 4,5%, và vẫn tuân thủ cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt. Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định Iran sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng cam kết. Chưa rõ ông Rouhani có những “hành động đi đôi với lời nói” hay không, nhưng các nước tham gia JCPOA vẫn muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này, bởi thỏa thuận là một yếu tố chủ chốt của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là thành quả quan trọng của ngoại giao đa phương.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.