Chia tay êm ái trong cay đắng

.

Sau hơn 9 tháng đàm phán, đêm 24-12, thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit (Anh rời EU) đã được thông qua. Theo đó, thỏa thuận quy định quan hệ kinh tế giữa Anh và EU sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12. Điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và bảo đảm thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất. Thỏa thuận cũng bao gồm lĩnh vực đánh bắt cá và hợp tác trong năng lượng, giao thông vận tải, tư pháp, cảnh sát...

Anh sẽ là nền kinh tế duy nhất ngoài EU được tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở. Tuy nhiên, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu.

Mặt khác, kể từ ngày 1-1-2021, tự thân Brexit đã là một cú sốc kinh tế cho cả hai bên, bởi hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.

Theo thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, hiện 27 nước thành viên EU đã chính thức phê chuẩn việc khởi động thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh từ ngày 1-1-2021. Tất nhiên còn phải chờ Quốc hội các nước thành viên EU và Anh thông qua thì thỏa thuận mới có hiệu lực hoàn toàn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng, thỏa thuận sẽ bảo vệ lợi ích của các nước châu Âu, đồng thời cũng trong lợi ích của Vương quốc Anh... “Giờ đây, chúng ta có thể để lại Brexit ở phía sau và hướng về tương lai”, bà Ursula von der Leyen nói.

Tờ Le Monde (Pháp) có bài xã luận đánh giá: “Thỏa thuận Brexit: Thở phào nhẹ nhõm trong cay đắng”, nhấn mạnh về sự đoàn kết của 27 nước thành viên EU trong suốt quá trình đàm phán, cứng rắn đến ngạc nhiên nhằm bảo vệ quan điểm “thị trường duy nhất” đã dẫn đến thành công. Tờ La Croix (Pháp), với tựa đề “Một bài học châu Âu”, cũng nêu cùng một nhận định rằng, EU đã tỏ ra “đoàn kết và cứng rắn”, và “bài học châu Âu” này chính là điều mà các quốc gia thành viên cần ghi nhận.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã giành được một thắng lợi chính trị. Tuy nhiên, vấn đề đối với ông Johnson là làm sao biến Brexit trở thành “một thành công”. Thỏa thuận có thể “giúp tránh được bão tố đến ngay tức khắc, nhưng không đồng nghĩa với trời yên bể lặng”. Nếu không có thỏa thuận, hoạt động xuất nhập khẩu của Anh sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng vì một loạt rào cản vốn không tồn tại trong nhiều thập niên sẽ trở lại đột ngột.

Dù cuộc chia tay có hậu, êm ái, nhưng cũng đầy cay đắng đối với cả Anh lẫn EU. Có phân tích cho rằng: “Đối với người Anh, Brexit tương ứng với việc đi giật lùi về những năm 1950”. Tờ Le Monde dẫn lời ông Peter Kellner, cựu lãnh đạo Viện Thăm dò dư luận YouGov (có trụ sở tại Anh) cho hay, xứ sở sương mù trong hơn 4 năm chuẩn bị cho Brexit giống như người nhảy từ trên vách đá: “Vào thời điểm chạm đất, nỗi đau đớn sẽ buộc người ta phải đối diện với sự thật trần trụi, những lời lẽ dối trá liên tục được đưa ra từ cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về Brexit sẽ bị phơi bày ra ánh sáng”. Vì thế, dù thỏa thuận hậu “ly hôn” được ký kết nhưng cơn ác mộng còn chưa chấm dứt với Anh cũng như EU, nhưng trước hết là đối với nước Anh. Kể từ giờ, London sẽ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ ly khai của hai xứ Scotland và Bắc Ireland, và nhiều vấn đề kinh tế cũng như địa chiến lược khác.

Vì thế, Brexit hoàn toàn không phải là “một chuyến du ngoạn trên con đường trải đầy hoa hồng” mà cả hai đều tổn thương, và nó chứa đựng nhiều đắng cay, trắc trở, nhất là Anh đang phải đối diện với một EU thống nhất.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.