Sóng gió trên chính trường Mỹ trước ngày 6-1

.

Ngày 6-1, Quốc hội Mỹ sẽ họp phiên toàn thể để kiểm đếm và phê chuẩn kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn, công bố người trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. Song, có những tín hiệu cho thấy sự kiện này không đơn thuần là thủ tục như lâu nay.

Ông Joe Biden dự kiến nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1. Ảnh: AP
Ông Joe Biden dự kiến nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1. Ảnh: AP

Sau tuyên bố ngày 2-1 của 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa về việc họ dự kiến sẽ chính thức phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ngay giữa các thành viên của đảng Cộng hòa đã xảy ra sự chia rẽ quan điểm rất lớn.

Đảng Cộng hòa chia rẽ

Nhiều thượng nghị sĩ, dẫn đầu là ông Ted Cruz, cho biết sẽ phản đối kết quả bầu cử của cử tri đoàn trừ khi có một ủy ban được lập để thẩm định lại kết quả bầu cử đó trong 10 ngày. “Chúng tôi có ý định sẽ bỏ phiếu vào ngày 6-1 để phản đối các đại cử tri từ những bang còn tranh cãi (về kết quả bầu cử - PV) cho tới lúc việc thanh kiểm tra gấp rút trong 10 ngày được hoàn tất”, thông cáo của nhóm các thượng nghị sĩ này phát đi ngày 2-1 nêu.

Hàng chục nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng có kế hoạch phản đối kết quả bầu cử xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ngay cả khi cử tri đoàn đã dành cho ông 306 phiếu đại cử tri trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 12-2020. Trong số các nghị sĩ Cộng hòa tham gia kế hoạch thách thức kết quả bầu cử tổng thống của cử tri đoàn có một số ngôi sao đang lên của đảng này. Bởi thế, có những ý kiến trong giới truyền thông cho rằng, họ mong muốn có thêm sự ủng hộ từ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng như những đồng minh của ông.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz đang làm việc với các thượng nghị sĩ Ron Johnson, James  Lankford, Steve Daines, John Kennedy, Marsha Blackburn, Mike Braun, cùng các thượng nghị sĩ đắc cử Cynthia Lummis, Roger Marshall, Bill Hagerty và Tommy Tuberville trong nỗ lực cuối cùng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Chỉ duy nhất một trong những thượng nghị sĩ này - ông Johnson của bang Wisconsin - là chính khách đến từ bang Wisconsin, nơi ông Joe Biden giành thắng lợi.

Trong thông cáo, nhóm các thượng nghị sĩ tuyên bố đang cố gắng khôi phục niềm tin vào quá trình thực thi dân chủ sau những cáo buộc gian lận bầu cử. Nhóm pháp lý của ông Trump đã tung ra rất nhiều cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua nhưng chưa cung cấp đủ bằng chứng cần thiết cho những cáo buộc đó. Tuyên bố của họ cũng trích dẫn cuộc bầu cử năm 1876. Đầu năm 1877, Quốc hội chỉ định thành lập một Ủy ban bầu cử để xem xét và giải quyết các kết quả bầu cử gây tranh cãi. “Quốc hội nên ngay lập tức chỉ định một Ủy ban bầu cử với đầy đủ thẩm quyền điều tra và xác minh sự thật để tiến hành thanh kiểm tra trong 10 ngày về các kết quả bầu cử ở những bang tranh cãi. Sau khi quá trình thanh kiểm tra hoàn tất, từng bang sẽ xác nhận kết quả của ủy ban này và có thể triệu tập một phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp bang để xác nhận sự thay đổi (nếu cần) với kết quả bầu cử của họ”, thông báo nêu.

Dù vậy, một số thành viên đảng Cộng hòa như thượng nghị sĩ Pat Toome, thượng nghị sĩ Ben Sasse lại cho rằng, nỗ lực phản đối kết quả bầu cử của các nghị sĩ khác cùng đảng đang phá hoại nền dân chủ, đồng thời cáo buộc họ đang bất chấp đạo lý để cố giành một nhiệm kỳ nữa cho ông Trump.

Nỗ lực vô vọng?

Theo Cơ quan Nghiên cứu Bầu cử (CRS), phiên họp toàn thể của Quốc hội được tổ chức nhằm xác nhận kết quả bầu cử tổng thống, nhưng cũng cho phép “các thành viên Quốc hội phản đối các kết quả tại bất cứ bang nào khi kết quả của những bang đó được công bố”. Ngoài nhóm do ông Ted Cruz lĩnh xướng, còn một chiến dịch phản đối kết quả bầu cử khác là của thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley. Ông Hawley dự định phản đối kết quả bầu cử của cử tri đoàn khi Quốc hội họp phiên toàn thể vào ngày 6-1.

Ông Hawley từng là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất cam kết phản đối kết quả bầu cử của cử tri đoàn ngay cả khi các nỗ lực tố tụng trước đó đã thất bại, bao gồm những thất bại trong một số vụ việc do chiến dịch tranh cử của ông Trump khởi kiện. Ông Hawley cũng là người đầu tiên hồi tuần trước tuyên bố có kế hoạch phản đối việc xác thực kết quả bầu cử của đại cử tri bang Pennsylvania. “Hàng triệu cử tri lo ngại về tính liêm chính của cuộc bầu cử xứng đáng được lắng nghe. Tôi sẽ đại diện cho họ phản đối trong ngày 6-1”, thượng nghị sĩ Hawley tuyên bố trên Twitter vào tháng 12-2020.

Đài CBS dẫn lời người phát ngôn nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden, ông Michael Gwin, cho rằng những kế hoạch phản đối vào phút chót của ông Trump và các đồng minh “sẽ không làm thay đổi thực tế Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1. Những tuyên bố vô căn cứ này đã được chính Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump, hàng chục tòa án, các quan chức phụ trách bầu cử của cả hai đảng xác minh và bác bỏ”.

Theo Tạp chí Vox, từ tuyên bố của ông Hawley, ông Cruz cũng như nhóm các nghị sĩ đồng hành với ông, có thể thấy những luận điểm chưa rõ ràng và thiếu thuyết phục. Thêm nữa, việc kiểm lại phiếu tại các bang chiến địa như Georgia và Wisconsin (ông Joe Biden thắng ở cả hai bang này) đều không cung cấp chứng cứ nào về sự gian lận quy mô lớn hay những sai phạm trong quy trình thủ tục bầu cử. Tại tất cả 50 bang và thủ đô Washington, D.C., các kết quả bầu cử đều đã được các quan chức bang thẩm định cẩn thận và xác nhận là chính xác.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.