G7 với những thách thức mang tính toàn cầu

.

Năm 2021, Anh tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Ý, Đức và Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm London đi trên con đường mới sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, Anh sẽ tổ chức một loạt cuộc họp thượng đỉnh và cấp bộ trưởng G7 cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Nội dung thảo luận bao trùm nhiều vấn đề: đại dịch Covid-19, kinh tế, môi trường, y tế, thương mại, công nghệ, chính sách đối ngoại... Chẳng hạn, Anh sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 dưới hình thức trực tiếp tại Vịnh Carbis thuộc hạt Cornwall, miền tây nam nước Anh, từ ngày 11 đến 13-6. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận để giải quyết những thách thức chung như xử lý đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại, đổi mới công nghệ và khám phá khoa học…

Để tiến tới hội nghị thượng đỉnh nói trên, Anh sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo G7 vào ngày 19-2, thảo luận về cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch, chẳng hạn như thiết kế một hệ thống cảnh báo sớm nhằm chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc và chia rẽ chính trị” vốn đã phá hoại những nỗ lực ban đầu ngăn chặn Covid-19. Xung quanh vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, chính sách “ưu tiên mình đầu tiên” của các quốc gia giàu có đối với vắc-xin ngừa Covid-19 có thể khiến những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất gặp rủi ro, đồng thời tạo cơ hội cho tình trạng lây nhiễm tiếp tục lan rộng. Bản thân Anh đã vướng vào cuộc tranh cãi giữa EU và nhà sản xuất AstraZeneca về nguồn cung vắc-xin, dẫn đến việc khối này áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin vào Vương quốc Anh qua Bắc Ireland.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lần đầu tiên tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp trực tuyến ngày 19-2. Tuyên bố của Nhà Trắng cho rằng, việc tham gia với lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới “sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Biden thảo luận về các kế hoạch đánh bại Covid-19 và tái xây dựng nền kinh tế toàn cầu”. Phát biểu của ông Biden sẽ tập trung vào vấn đề sản xuất và cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như “các nỗ lực tiếp diễn nhằm huy động và hợp tác chống lại mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên bằng cách củng cố năng lực quốc gia và thiết lập tài chính cho an ninh y tế”…

Trước đó, ngày 12-2, các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương G7 họp trực tuyến thảo luận các phương thức nhằm tăng cường hợp tác giải quyết những khó khăn kinh tế do Covid-19 gây ra. Các lãnh đạo tài chính G7 đã thảo luận về các trụ cột trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm làm giảm tác động của Covid-19, cũng như hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có các biện pháp giảm nợ. Các nước G7 đang xem xét khả năng huy động 500 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hồi tháng 12-2020, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7 cùng lãnh đạo IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã họp trực tuyến để thảo luận về Covid-19, các biện pháp tài chính và đồng tiền kỹ thuật số. Các quan chức tài chính G7 ủng hộ mạnh mẽ việc kiểm soát đồng tiền kỹ thuật số và thanh toán kỹ thuật số. Song, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz lo ngại xung quanh việc cấp phép phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra với tên gọi mới là Diem của Facebook. Ông Olaf Scholz cho rằng, Đức và châu Âu không thể và sẽ không chấp nhận đồng tiền này xâm nhập thị trường trong khi những rủi ro về công tác quản lý vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Có thể nói, trước hàng loạt thách thức mang tính toàn cầu, các nhà lãnh đạo G7 phải tìm các giải pháp để phục hồi nền kinh tế cũng như những bất đồng trong quá trình cạnh tranh phát triển. Thông cáo Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: Thủ tướng Boris Johnson sẽ tận dụng cương vị Chủ tịch G7 năm 2021 để “giúp thế giới xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch Covid-19 và tạo ra một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.