Thế giới có gần 110 triệu người mắc Covid-19

.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 16-2 (giờ Việt Nam), thế giới có 109,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 2,4 triệu người tử vong.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với các tài xế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16-2.      Ảnh: Yonhap
Xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với các tài xế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16-2. Ảnh: Yonhap

Trong lúc đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa vắc-xin do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển vào danh sách sử dụng khẩn cấp để chống đại dịch Covid-19.

Mỹ: Phân phối vắc-xin chậm

Hãng tin CNN cho biết, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do Covid-19. Ngày 15-2, Mỹ ghi nhận ít nhất 52.600 ca nhiễm mới và 985 ca tử vong. Theo đó, Mỹ có tổng cộng hơn 27,6 triệu ca nhiễm và ít nhất 486.300 ca tử vong. Song, trang thống kê Worldometers cho hay, những con số này lần lượt là 28,3 triệu ca và 498.200 ca.

Cũng theo CNN, việc phân phối vắc-xin tại các bang và các thành phố trên khắp nước Mỹ diễn ra chậm do bão mùa đông làm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C vào ngày 15-2. Thời tiết mùa đông khiến ít nhất 7 bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bao gồm: Alabama, Oregon, Oklahoma, Kansas, Kentucky, Mississippi và Texas.

Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 10,9 triệu ca nhiễm và 155.800 ca tử vong. Theo AP, hiện quốc gia Nam Á này ghi nhận khoảng 11.000 ca nhiễm mỗi ngày, so với lúc đỉnh dịch gần 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Căng thẳng ở các bệnh viện tại Ấn Độ do tình trạng quá tải cũng giảm trong những tuần gần đây - một dấu hiệu cho thấy sự lây lan của SARS-CoV-2 ở nước này đang chậm lại. Song, diễn biến tích cực này không do việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vì Ấn Độ mới triển khai tiêm phòng từ tháng 1-2021.

Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai trên thế giới về số ca tử vong và đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm. Brazil ghi nhận tổng cộng hơn 9,8 triệu ca nhiễm và 239.800 ca tử vong. Ngày 15-2, quốc gia Nam Mỹ này có thêm hơn 5.400 ca nhiễm. Sao Paulo - bang đông dân nhất của Brazil - bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,9 triệu ca nhiễm và 56.000 ca tử vong. Đến nay, hơn 5 triệu dân Brazil (2,38% dân số) đã được tiêm mũi thứ nhất vắc-xin ngừa Covid-19.

WHO triển khai vắc-xin đến các nước nghèo

Theo AP, sau hơn 2 tháng các nước như Mỹ và Brazil triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người có nguy cơ cao nhất, WHO mới bắt đầu phân phối vắc-xin AstraZeneca/Oxford đến các nước nghèo theo chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu (COVAX).

COVAX là cơ chế do WHO phối hợp với Liên minh vắc-xin GAVI và nhiều tổ chức khác nhằm cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin trên toàn thế giới trong năm nay, bảo đảm việc phân phối vắc-xin công bằng giữa các nước giàu và các nước nghèo. COVAX hy vọng đến cuối tháng 6 sẽ phân phối khoảng 336 triệu liều vắc-xin và đến cuối năm nay phân phối tổng cộng khoảng 2 tỷ liều. Tuần trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, hơn 130 triệu liều vắc-xin đã được triển khai toàn cầu theo cơ chế COVAX.

Không như các nước giàu có, nhiều quốc gia đang phát triển không có nguồn lực để đánh giá và phê duyệt vắc-xin. Các nước này dựa vào WHO để xác định vắc-xin an toàn, hiệu quả và có được sản xuất đúng cách hay không. WHO cũng vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vắc-xin AstraZeneca/Oxford, giúp khởi động quá trình phân phối loại vắc-xin này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới. Hai phiên bản vắc-xin của AstraZeneca/Oxford là sản phẩm của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và Hàn Quốc. Ngoài 2 loại vắc-xin nói trên, đến nay mới chỉ có vắc-xin của Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nhấn mạnh: “Giờ đây, chúng ta có đủ mọi mảnh ghép cho phân phối nhanh vắc-xin. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần mở rộng quy mô sản xuất”.

Nhật Bản phê duyệt vắc-xin Pfizer/BioNTech

Theo AFP, Nhật Bản chính thức cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất. Đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên được Nhật Bản cấp phép sử dụng trong nước. Pfizer/BioNTech cam kết cung cấp cho Nhật Bản 72 triệu liều. Từ ngày 17-2, quốc gia Đông Bắc Á này tiến hành tiêm chủng lần lượt cho các nhân viên y tế, những người có bệnh nền và người cao tuổi, sau đó sẽ tiêm cho toàn dân.

Hàn Quốc bắt đầu tiêm vắc-xin từ ngày 26-2

Hãng tin Yonhap ngày 16-2 dẫn lời Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun rằng, nước này có thể bảo đảm vắc-xin cho khoảng 79 triệu người thông qua cơ chế COVAX. Theo đó, từ ngày 26-2, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin AstraZeneca/Oxford cho các nhân viên y tế và bệnh nhân ở viện dưỡng lão, nhưng chưa áp dụng cho những người trên 65 tuổi. Ngày 17-2, Hàn Quốc ghi nhận 457 ca nhiễm mới, trong đó có 429 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 84.300 ca.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.