Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện nhiều quan điểm khác biệt trong cuộc gặp gỡ trực tiếp lần đầu tiên kể từ lúc ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tham dự cuộc gặp ở Alaska. Ảnh: Reuters |
Giới quan sát đã dự đoán cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị tại thành phố Anchorage, bang Alaska (Mỹ) khó có thể đi đến những thỏa thuận chung. Trước thềm cuộc gặp, hai bên có những lời “rào đón” thận trọng về cách tiếp cận của mình. Thực tế, những lời nói qua nói lại “nảy lửa” vào chiều 18-3 (sáng 19-3, giờ Việt Nam) trong cuộc gặp trực tiếp càng cho thấy không dễ gì thu hẹp những khác biệt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hãng tin AP cho biết, các vấn đề được bàn thảo bao gồm: thương mại, đại dịch Covid-19, những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và an ninh mạng. Nhưng chưa nói đến các vấn đề gây nhiều tranh cãi này, chỉ riêng nghi thức ngoại giao cũng đủ làm bầu không khí nghị sự nóng lên khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ “không tiếp đón thịnh tình và cũng không phù hợp với nghi thức ngoại giao”. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì chỉ trích Mỹ không tôn trọng nghi thức ngoại giao bằng cách công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức quốc gia châu Á này ngay trước thềm cuộc gặp.
Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc “dường như tham dự đối thoại với mục đích chủ yếu gây ấn tượng, tập trung vào nghệ thuật sân khấu công chúng và kịch tính hơn là thực chất. Các quan chức Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm nghi thức”.
Không những thế, Ngoại trưởng Blinken chỉ trích các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và hành động “bắt nạt kinh tế” đối với các đồng minh của Mỹ. Ông cho rằng, đây là những hành động đe dọa trật tự dựa trên pháp luật vốn duy trì ổn định toàn cầu.
Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc Washington sử dụng sức mạnh quân sự và tài chính để gây sức ép lên các nước, lợi dụng cụm từ “an ninh quốc gia” để đe dọa tương lai của thương mại toàn cầu.
Các quan chức Mỹ - Trung cũng không dùng bữa cùng nhau sau buổi gặp - một điều hiếm thấy tại các cuộc họp cấp cao.
Mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trong những năm qua trên nhiều lĩnh vực, rõ nhất là cuộc chiến thương mại và công nghệ với những đòn “ăn miếng trả miếng”. ABC News cho biết, từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, ông Joe Biden cam kết sẽ có “bước tiếp cận mạnh mẽ, mang nhiều sắc thái hơn” so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, ông đã thúc đẩy các cuộc tiếp xúc, trao đổi với Trung Quốc nhiều hơn. Thế nên, theo AP, vẫn chưa rõ Mỹ có sẵn sàng xa rời các quan điểm cứng rắn của chính phủ tiền nhiệm Donald Trump không, hay thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng chưa rõ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung vào tháng 4 tới, như Bắc Kinh mong muốn, có thể diễn ra hay không sau cuộc gặp cấp cao căng thẳng ở Alaska. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột nhưng hoan nghênh cạnh tranh gay gắt. Chúng tôi luôn đứng lên vì các quy tắc, công dân và bạn bè của chúng tôi”. Trước đó, ngày 12-3, phát biểu với báo giới, ông Jake Sullivan hàm ý rằng, Mỹ có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với Trung Quốc nhưng luôn thận trọng trước những động thái của Bắc Kinh.
Thế nên, cuộc gặp Alaska chỉ mang tính chất dò đường và “chẳng đi đến đâu” - như dự báo của các nhà quan sát khi hai nước trong trạng thái đối đầu căng thẳng và toàn diện, nhưng vẫn cần thiết diễn ra để hai bên hiểu lập trường, những ưu tiên và lợi ích của nhau. Trong xu thế hợp tác và cạnh tranh giữa các siêu cường, cánh cửa đối thoại có thể vẫn mở để cùng nhau giải quyết các thách thức của toàn cầu, chứ không riêng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chẳng hạn chống đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu…
TÚ PHƯƠNG