"Ngoại giao đã trở lại"

.

Chuyến công du của các bộ trưởng Mỹ đến các nước châu Á từ ngày 15-3, cùng cuộc gặp trực tuyến của “Bộ Tứ kim cương” (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) ngày 12-3 minh chứng Tổng thống Joe Biden đang thực hiện chính sách “ngoại giao đã trở lại” mà ông đã đề cập hồi đầu tháng 3.

Từ trái sang: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự cuộc họp trực tuyến “Bộ Tứ kim cương” ngày 12-3. Ảnh: AP
Từ trái sang: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự cuộc họp trực tuyến “Bộ Tứ kim cương” ngày 12-3. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong 4 ngày, kể từ ngày 15-3. Đây là chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của các quan chức chính phủ Mỹ, đánh dấu nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Washington và xoa dịu mối quan ngại về vai trò của cường quốc này ở châu Á.

Vì các liên minh và quan hệ đối tác

Theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden muốn khôi phục mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh then chốt của Mỹ, sau 4 năm xảy ra những rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng muốn củng cố các liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước những lo ngại ngày càng tăng về thách thức của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ngay trong tháng đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Biden đã thể hiện mong muốn trở lại châu Á - Thái Bình Dương, hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và nội dung này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, phù hợp với chủ đề ngoại giao “Nước Mỹ trở lại” mà ông đề cập trong bài phát biểu nhậm chức hồi tháng 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Austin tuyên bố, chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự với các đồng minh và tăng cường “khả năng răn đe” để đối phó Trung Quốc. “Chuyến thăm này hoàn toàn vì các liên minh và quan hệ đối tác. Mục tiêu là bảo đảm chúng tôi có các khả năng và các kế hoạch hoạt động để có thể tạo ra sự răn đe đáng tin cậy đối với Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào khác muốn thách thức Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Austin phát biểu với báo giới. Người đứng đầu Lầu Năm Góc sau đó sẽ đến Ấn Độ.

Một tuần trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí cho sự hiện diện của 28.500 binh Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á này. Cụ thể, Seoul sẽ tăng phần đóng góp lên 1.183 tỷ won (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2021, so với mức 1.038 tỷ won (924 triệu USD) trong năm 2019 để duy trì lực lượng Mỹ. Thỏa thuận nói trên, cùng với một thỏa thuận tương tự cho Nhật Bản, sẽ là nội dung chính trong các cuộc gặp của ông Blinken và ông Austin ở Tokyo cũng như Seoul.

“NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”

Ngày 12-3, tại hội nghị trực tuyến “Bộ Tứ kim cương” (QUAD), Tổng thống Biden khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều thiết yếu đối với tương lai của Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ; đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các đối tác trong nhóm này. QUAD, được hồi sinh dưới thời ông Donald Trump, là một phần nỗ lực của Washington nhằm xây dựng một “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. QUAD sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào cuối năm 2021.

Trung Quốc từng lo ngại về “NATO châu Á”, hay “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, sáng kiến một NATO mới như thế sẽ phá hoại nghiêm trọng an ninh khu vực.

Theo AP, mặc dù Trung Quốc không có trong chặng dừng chân của ông Blinken và ông Austin, nhưng kết thúc chuyến công cán ở Seoul, ông Blinken sẽ trở về Mỹ để cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Alaska.

Hãng tin AP dẫn lời ông Sung Kim, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về vấn đề châu Á, nhận định: “Ngoại giao trở lại trong trung tâm chính sách đối ngoại của chúng tôi, và chúng tôi đang thúc đẩy mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, cũng như mối quan hệ giữa các nước đồng minh với nhau”. Trong lúc ông Trump muốn thay đổi nhiều điều từ thời chính phủ tiền nhiệm, việc “bắt tay” với các nước QUAD cùng nhiều hoạt động ngoại giao khác sẽ giúp nhà lãnh đạo này thực hiện hóa phần nào chính sách “Ngoại giao trở lại”, thể hiện rõ quan điểm của Washington về cách can dự vào các vấn đề của thế giới. 

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.