Ấn Độ đối mặt với "bão" Covid-19

.

Làn sóng Covid-19 thứ hai quét qua Ấn Độ khiến quốc gia Nam Á này trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới, với 5 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới đều được ghi nhận ở mức kỷ lục. 

Một công nhân khử trùng vòi phun bình oxy tại một nhà máy ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat của Ấn Độ ngày 25-4. Ảnh: Reuters
Một công nhân khử trùng vòi phun bình oxy tại một nhà máy ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat của Ấn Độ ngày 25-4. Ảnh: Reuters

Báo The Week cho biết, ngày 26-4, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 350.000 ca mắc Covid-19, đánh dấu kỷ lục mới về số ca nhiễm trong vòng 24 giờ. Như vậy, 5 ngày liên tiếp giới chức Ấn Độ đều ghi nhận số ca nhiễm trong vòng 24 giờ ở mức kỷ lục của thế giới. Số ca tử vong được Bộ Y tế Ấn Độ thông báo vào ngày 26-4 là 2.800 ca. Một ngày trước đó, Ấn Độ có gần 350.000 ca nhiễm mới và 2.700 ca tử vong; 54% số ca nhiễm ở 5 bang: Maharashtra, Uttar Pradesh, Karnataka, Gujarat và Kerala.

Theo hãng tin Nikkei, với 1,3 tỷ dân, hiện quốc gia Nam Á này có tổng cộng 17,3 triệu ca nhiễm và 195.000 ca tử vong. Ở thủ đô New Delhi, cứ 3 người được xét nghiệm thì có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2; con số này ở thành phố Kolkata là 1/2, tức 2 người được xét nghiệm thì có 1 ca dương tính.

Căn cứ việc các điểm hỏa táng đỏ lửa không ngừng, các chuyên gia cho rằng số người tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ còn cao hơn con số thống kê. Mọi bệnh viện đều quá tải và nguồn cung oxy đang trở nên khan hiếm. Các bệnh viện ở bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng thiếu nguồn oxy nghiêm trọng. Tuần này, chính phủ Ấn Độ phân bổ hơn 6.800 tấn oxy lỏng mỗi ngày cho 20 bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất.

Các chính trị gia, nhất là Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền, hiện đối mặt với những chỉ trích vì đã tổ chức các cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng ngàn người, đồng thời để diễn ra các lễ hội với sự có mặt của hàng triệu người, bất chấp làn sóng thứ hai của Covid-19. Các cuộc bầu cử địa phương vẫn được tổ chức ở nhiều khu vực, trong đó có Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ, nơi có trung bình 30.000 ca nhiễm/ngày. Khoảng 8,6 triệu cử tri vẫn dự kiến đi bỏ phiếu ở bang Tây Bengal ngày 26-4 (giờ địa phương).

Trong khi đó, hiện một số thành phố đã ra lệnh giới nghiêm. Cảnh sát được triển khai để yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Một số bang như Maharashtra - bang giàu có nhất - đã ngừng việc tiêm vắc-xin ở một vài điểm vào ngày 25-4 với lý do các trang thiết bị chưa sẵn sàng cho công tác tiêm chủng. Vì vậy, công chúng Ấn Độ còn hoài nghi rằng dường như Thủ tướng Modi đã hứa hẹn quá đà về vấn đề vắc-xin. Trước đại dịch Covid-19, Ấn Độ đứng đầu thế giới về sản xuất vắc-xin bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) có thể sản xuất 1,5 tỷ liều mỗi năm. Khi cả thế giới lao đao vì đại dịch, Ấn Độ nhanh chóng trở thành nhà cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 lớn nhất.

Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ là “hiệu thuốc của thế giới”. Thế nhưng, khi số ca bệnh tăng nhanh, Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu vắc-xin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu có tên COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác. Cụ thể, SII cam kết cung cấp 1,1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX. Song, tính đến ngày 21-4, SII chỉ xuất khẩu 19,6 triệu liều vắc-xin cho COVAX.

Trong bài phát biểu ngày 25-4, Thủ tướng Ấn Độ Modi thúc giục người dân nước ông đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm chủng từ ngày 1-5.

Hơn 1 tỷ

là số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng tại 207 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, khoảng 58% đã được sử dụng tại 3 nước gồm: Mỹ với 225,6 triệu liều vắc-xin, Trung Quốc với 216,1 triệu liều vắc-xin và Ấn Độ với 138,4 triệu liều vắc-xin. (theo AFP)

Thế giới hỗ trợ Ấn Độ

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 25-4, Mỹ đề nghị giúp đỡ Ấn Độ ứng phó với Covid-19. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói rằng, Washington sẽ cung cấp các nguyên liệu quan trọng để Ấn Độ sản xuất vắc-xin, thuốc, bộ xét nghiệm, máy thở và các thiết bị bảo hộ cá nhân.

Báo The Week dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay, Lầu Năm Góc sẽ cung cấp các trang thiết bị liên quan oxy trong những ngày tới. Anh, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga và Pakistan cũng đề nghị cung cấp oxy, thuốc và các trang thiết bị khác cho Ấn Độ. Singapore và Đức cũng đã gửi đến Ấn Độ các máy tạo oxy và oxy di động.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.